Rong chơi Đà Lạt

Rong chơi Đà Lạt

Rong chơi Đà Lạt Thác Datanla. Ảnh: PK

(TBKTSG Online) - Nhiều người nói rằng một ngày ở Đà Lạt có bốn mùa: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu và tối đông. Ở góc độ kinh doanh du lịch, thành phố sương mù này có hai mùa trong một năm: cao điểm và thấp điểm.

Mùa cao điểm bắt đầu từ tháng Giêng (âm lịch) cho tới hết hè cùng các ngày lễ lớn, giá cả rất mắc mỏ. Với túi tiền “lép”, bạn nên đến vào mùa thấp điểm, khi giá mọi thứ “mềm”, khá dễ chịu.

Rong chơi Đà Lạt vào mùa thấp điểm, chuyện tìm chỗ nghỉ không đáng lo. Dịch vụ khách sạn và phòng trọ hầu như “phủ” đầy các ngõ ngách của thành phố mộng mơ. Khách sạn 2 sao mùa thấp điểm chừng 200.000 đồng/phòng, còn lại khoảng 150.000 đồng/phòng cũng đầy đủ tiện nghi. Riêng phòng trọ giá khoảng 70.000 đồng - 80.000 đồng/phòng nhưng không có hệ thống nước nóng lạnh, là điều rất bất tiện khi ở tại “đất lạnh” này. Cũng ngần ấy giá tiền, nếu đi xe Phương Trang, bạn có thể mướn phòng khách sạn của hãng này.

Tham quan các danh thắng Đà Lạt là điều đáng ngại, vì đa số đều nằm ở ngoại vi thành phố. Được cái, tại các khách sạn, phòng trọ hoặc các quán cà phê gần đó lúc nào cũng có cho mướn xe đạp đôi, xe gắn máy hoặc cánh xe ôm túc trực.

Chưa rành rẽ, bạn sẽ dễ “hố” giá mướn hoặc thuê xe ôm. Họ sẽ “hét” giá một chiếc xe gắn máy 80.000 đồng từ sáng tới chiều (với xe Trung Quốc). Nhưng nếu bạn ra chợ Đà Lạt, chỉ cần chi 50.000 đồng là có thể cầm lái chiếc xe Syrius mới từ 8 giờ sáng hôm trước tới 8 giờ sáng hôm sau.

Thêm 10.000 đồng nữa, bạn sẽ có chiếc xe tay ga mới toanh. Thủ tục đơn giản, chỉ cần đưa chiếc thẻ nào có dán hình bạn là có thể lên xe vi vu, thăm thú Đà Lạt mộng mơ rồi đó. Tất nhiên, xin đừng quên ghé cây xăng để nạp nhiên liệu nếu không muốn khốn khổ vì đẩy xe trên những con đường đồi dốc.

Nếu đến Đà Lạt bằng phương tiện riêng thì dù đã quen thuộc, cũng không mấy ai bỏ qua thác Prenn - cách trung tâm Đà Lạt 10km, như một trạm dừng chân trước khi qua con đèo cuối cùng để vào thành phố. Với những người đến Đà Lạt bằng phương tiện công cộng thì lên xe buýt, mua vé 9.000 đồng/người đi từ thành phố ra tới thác. Vé vào cửa thác 10.000 đồng/người.

Từ cổng đi xuống thác chỉ khoảng 500m, đi bộ rất dễ dàng nhưng nhiều người cũng thích đi cáp treo (8.000 đồng/vé) để có được những bức ảnh đẹp về thác nhìn từ trên cao. Tại đây có nhiều dịch vụ như bơi thuyền thể thao, xe ngựa, xe Jeep đưa khách tham quan. Có khoảng 10 chiếc thuyền, mỗi suất bơi 10 phút, tính tiền theo số người, cứ mỗi người 7 ngàn đồng/chiếc. Xe ngựa phục vụ vãn cảnh 50.000 đồng/chiếc; nếu không đi mà chỉ trèo lên chụp ảnh lưu niệm, du khách cũng phải trả 5.000 đồng/lần. Nếu muốn tham quan khu rừng quanh thác và quần thể đền Âu Lạc thờ vọng các vua Hùng trên núi, có xe Jeep đưa mỗi chuyến từ 1 đến 4 người với giá 150.000 đồng.

Trên đoạn đường vào thành phố Đà Lạt, cách thác Prenn khoảng 3km là thác Datanla. Vào cửa 5.000 đồng/vé. Thác nằm sâu dưới thung lũng nên đi bộ rất vất vả. Muốn khỏe, không gì hơn đi máng trượt, 25.000 đồng/lượt (35.000 đồng/khứ hồi). Một xe chở 2 người. Người ngồi sau điều khiển tốc độ theo ý mình và giữ khoảng cách với máng trước chừng 25m để đảm bảo an toàn. Máng lao nhanh thì nguy hiểm, nhưng chậm quá lại mất thú. Qua những khúc quanh, xe “trượt” nghiêng hẳn một bên tạo cảm giác sắp lật ra khỏi máng, nhưng thật ra khá an toàn.

Trượt máng xuống thung lũng Datanla là cuộc “phiêu lưu” thú vị vì hệ thống đường ray uốn lượn quanh co liên tục. Tới nơi, thở phào nhẹ nhõm, mừng vì… thoát chết. Nhưng liền sau đó là cảm giác sảng khoái khi nhìn thấy thác Datanla mấy tầng, ầm ào nước đổ trắng xóa, dữ dội và hoang dã hơn thác Prenn.

“Đà Lạt ơi, có nghe chăng Cam Ly khóc tình đầu dang dở…”. Lời bài ca nổi tiếng “Đà Lạt hoàng hôn” của Minh Kỳ - Dạ Cầm càng khiến thác Cam Ly trở nên gần gũi, gắn bó với hình ảnh lãng mạn của thành phố cao nguyên sương mù này. Dù thác nước này nằm ngay trong thành phố và giá vé vào cửa chỉ có 5.000 đồng/người, nhưng nhiều khách du lịch ngán ngại tham quan, do dòng nước của thác Cam Ly bị ô nhiễm nặng nề.

Hồ Than Thở cũng thu giá vé “bèo” như thác Cam Ly. Tiếng tăm và hình ảnh lãng mạn, thơ mộng của hồ Than Thở thuở nào đang dần đi vào sự lãng quên của du khách yêu mến Đà Lạt. Nơi đây chỉ còn là cái ao nhỏ và trở thành một điểm tập trung dăm ba trò tiêu khiển nhàm chán, quán hàng lưu niệm, chụp ảnh với ngựa, những luống hoa và đồi thông thưa thớt. Cái tên “Than Thở” giờ đây có vẻ đã mang ý nghĩa khác trước; khi nhắc đến thì du khách “than phiền” và người dân Đà Lạt chỉ còn biết “thở dài” tiếc nuối cho của thắng cảnh du lịch này.

Đồi Mộng Mơ. Ảnh: PK

Giá vé vào thăm đồi Mộng Mơ lại khá cao, tới 20.000 đồng/người. Vào thăm, dạo quanh mới thấy ngọn đồi này bị bàn tay con người can thiệp thô bạo quá, từ những tảng đá to đến đá nhỏ, kể cả cái gọi là thác Suối Vàng. Mà đúng là thác suối vàng thật, vì nước ửng một màu phèn được máy hút từ hồ bên dưới đưa lên tạo thành thác.

Có thể coi điều thú vị ở đây là đội cồng chiêng biểu diễn phục vụ nhiệt tình, khách thưởng ngoạn được mời cùng múa hát.

Có lẽ gây ấn tượng hoang sơ và hoành tráng nhất đối với du khách đến từ vùng đồng bằng là thác Hang Cọp, cách trung tâm Đà Lạt 10km theo quốc lộ 20 đi D’ran. Từ đường cái rẽ vào thác khoảng 5km, là con đường đèo dốc cùi chỏ chuồi xuống sâu. Càng gần tới thác, càng nguy hiểm hơn với con đường đất đỏ trơn trợt. Cứ tưởng đến nơi hoang vu thế này thì khỏi… mua vé, không dè cũng phải “nộp” 7.000 đồng/người và xe gắn máy. Coi vậy, nơi đây cũng có nhà nghỉ phục vụ khách ưa thích không gian “lãng mạn” với giá 100.000 đồng/đêm. Ở đây ăn toàn “đặc sản” gà ta, ngon nhất là món gà nướng muối ớt.

Khách nhàn du thích chốn “hoang sơ” nên đến thác Hang Cọp. Nơi đây, cỏ dại lấn hết những cây hoa do con người trồng và bỏ phế chắc đã nhiều năm. Nổi bật trên cảnh quan hoang dã ấy là tượng con cọp khổng lồ. Chuyện kể rằng, xưa kia, con cọp này đã làm kinh động chốn thâm sơn cùng cốc này. Không chịu được sự hoành hành của nó, một thợ săn người Chil (một nhóm địa phương của dân tộc M’Nông di cư xuống phía nam sống với người K’Ho) đã bắn cọp bị thương một chân. Cọp rút vào rừng sâu mất dạng. Từ đó, thác nước nơi có cái hang cọp này được gọi tên như vậy.

Từ tượng dũng sĩ người Chil khổng lồ, men theo bờ vực sâu thăm thẳm, dù có bậc xi măng hoặc đá xanh và tay vịn hẳn hoi nhưng bạn phải bước từng bước cẩn trọng vì rêu trơn bám đầy lối. Xuống sâu hàng trăm mét, bạn mới bần thần sững cả người khi nhìn ngọn thác hoành tráng từ trời cao ầm ầm đổ xuống. Có thể nói Hang Cọp là ngọn thác đẹp hoang dã nhất của Đà Lạt.

Đà Lạt còn nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, muốn rong chơi thỏa chí, có lẽ phải mất ít nhất hai tuần lễ. Nào là các dinh thự từ thời hoàng triều cương thổ do người Pháp xây dựng, nào là các kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa, nhà thờ cổ kính… và có lẽ thú vị nhất sẽ là một chuyến viếng thăm đỉnh Liang Bian kỳ thú.

PHƯƠNG KIỀU

Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/rong-choi-da-lat-a28895.html