Ông Phạm Đức Hòa sinh tháng 2/1975, là viên chức làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ năm 2002 đến năm 2023.
Ông Hòa mong muốn nghỉ việc nhưng không biết mình đã đủ điều kiện nghỉ hưu sớm hưởng lương hưu hằng tháng theo chính sách tinh giản biên chế hay chưa? Nếu chưa thì làm sao để ông đủ điều kiện hưởng lương hưu?
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được quy định rõ tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Căn cứ vào lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trên, lao động nam sinh tháng 2/1975 sẽ nghỉ hưu ở độ tuổi 62 vào tháng 3/2037. Như vậy, thời điểm này, ông Hòa còn hơn 10 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu theo quy định.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo quy định tại Điều 55 Luật BHXH năm 2014, được sửa đổi, bổ sung tại Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được nghỉ hưu sớm và hưởng lương hưu hằng tháng với mức thấp hơn so với người đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Trong điều kiện lao động bình thường, người lao động có thể nghỉ hưu sớm thấp hơn tuổi hưu quy định tối đa 5 tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; hoặc có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Dù áp dụng trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định tối đa 10 tuổi khi bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì ông Hòa cũng không đủ điều kiện về tuổi.
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế thì đối tượng tinh giản biên chế có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi, thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định và có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu.
Đối chiếu với quy định trên, ông Hòa cũng chưa đủ điều kiện về tuổi để hưởng chế độ hưu trí theo chính sách tinh giản biên chế trong thời điểm này.
Tuy nhiên, nếu ông Hòa nghỉ việc tại thời điểm này thì ông có thể tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị khác, hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu không làm việc ở khu vực chính thức đến khi đủ tuổi để hưởng lương hưu.
Do ông Hòa đã có 21 năm đóng bảo hiểm xã hội nên ông cũng có thể ngừng đóng bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc ở thời điểm này, bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội để chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì được hưởng chế độ hưu trí.
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/sinh-nam-1975-bao-nhieu-tuoi-a29347.html