Từ khởi thủy, lịch sử và văn hóa của vùng đất Hà Nam hiện nay gắn kết với châu thổ Bắc Bộ. Là một trong những vùng trầm tích trẻ của miền võng Hà Nội rộng lớn, cho đến nay dấu tích con người tiền sử đầu tiên mới được phát hiện ở hang Chuông, hang Gióng Lở (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm) có niên đại trên dưới 5000 năm thuộc hậu kỳ thời đại đồ đá mới, sơ kỳ thời đại đồ đồng.
Diên cách vùng đất Hà Nam trước khi thành lập tỉnh Căn cứ vào ghi chép của sử cũ, có thể thấy được diên cách của vùng đất Hà Nam qua các thời kỳ. Hùng Vương thống nhất các bộ lạc, đặt tên nước là Văn Lang, chia cả nước thành 15 bộ, Hà Nam lúc ấy thuộc bộ Giao Chỉ.
Sang thời kỳ nước Âu Lạc số bộ tăng lên 17 và tên bộ cũng có sự thay đổi, vùng đất Hà Nam lúc này thuộc bộ Chu Diên.
Nước Âu Lạc bị nhà Hán chinh phục năm 111 trước Công nguyên. Nhà Hán chia vùng đất cũ và đất mới chiếm thêm làm ba quận: Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam, dưới quận là huyện. Theo sách Tiền Hán thư địa lý chí thì quận Giao Chỉ gồm 10 huyện: Liên Lâu, An Định, Câu Lâu, Mê Linh, Khúc Dương, Bắc Đái, Kê Từ, Tây Vu, Long Biên, Chu Diên. Huyện thời Hán có đất đai rất rộng. Vùng đất Hà Nam chắc chắn thuộc quận Giao Chỉ, nhưng cụ thể thuộc huyện nào?
Học giả Đào Duy Anh đã căn cứ vào "Thủy kinh chú đồ" của Dương Thủ Kinh đối chiếu với bản đồ Bắc Bộ hiện nay, đưa ra nhận định: "Sách Thái bình hoàn vũ ký gọi sông Đáy, tức sông Hát là sông Chu Diên. Cứ thế thì huyện Chu Diên có thể tương đương với một phần tỉnh Hà Tây và miền Hà Nam ở giữa sông Đáy và sông Hồng". Như vậy, vào thời Hán, tỉnh Hà Nam hiện nay nằm trọn trong đất huyện Chu Diên.
Đến thời Tam Quốc và thời Lưỡng Tấn thống trị, đơn vị hành chính lại thay đổi. Nhà Ngô đặt Giao Châu, dưới châu có quận, dưới quận chia đặt các huyện. Vùng đất Hà Nam lúc này thuộc quận Vũ Bình. Huyện Chu Diên không còn là huyện Chu Diên thời Hán nữa mà được chia ra thành các huyện nhỏ. Vùng đất Hà Nam khi đó bao trùm đất đai của các huyện Vũ Ninh, Vũ Hưng, Tiến Sơn, Căn Ninh, Vũ Định và gộp thêm một phần đất phía Nam tỉnh Hà Đông (cũ).
Thời Nam Bắc triều (Tống, Tề, Lương) lập các quận Giao Chỉ, Vũ Bình, Cửu Chân, Nhật Nam, Tống Bình. Quận Vũ Bình về cơ bản cương vực được giữ nguyên như cũ và Hà Nam vẫn thuộc quận này. Nhà Tùy thay đổi đơn vị hành chính. Quận Vũ Bình bị bãi bỏ chỉ đặt làm huyện, đến năm Khai Hoàng thứ 18 đổi tên thành huyện Long Bình tương đương với vùng đất của ba tỉnh Hà Nam, Hà Đông, một phần Hòa Bình thuộc lưu vực sông Đáy.
Sau khi diệt nhà Tùy, nhà Đường sửa lại toàn bộ chế độ hành chính và sự phân chia châu, quận. Nhà Đường đặt Giao Châu đại tổng quản để quản lĩnh 10 châu: Giao, Phong, Ái, Tiêm, Diêm, Tống, Từ, Hiểm, Đạo, Long. Đến năm 679 đổi Giao Châu đại tổng quản thành An Nam đô hộ phủ. Vùng đất Hà Nam lúc này thuộc huyện Vũ Bình lệ vào phủ đô hộ này.
Năm 907, Khúc Hạo định lại các đơn vị hành chính, lấy lộ thay cho châu, phủ thay cho huyện nhưng vẫn dùng tên các châu của thời Đường. Vùng đất Hà Nam thuộc phủ Vũ Bình, lộ Giao. Đinh Tiên Hoàng chia cả nước làm 10 đạo, nhưng sử cũ không cho biết rõ danh hiệu và vị trí các đạo như thế nào. Đến Vua Lê Hoàn đổi 10 đạo làm lộ, phủ, châu song sử cũng không chép tên. Lý Công Uẩn lên ngôi chia cả nước làm 12 lộ, song sách Toàn thư và Cương mục chỉ chép tên 12 lộ. Căn cứ vào tên các lộ, đối chiếu với bản đồ có thể nhận định vùng đất Hà Nam nằm trong lộ Hoàng Giang.
Trần Thái Tông chia cả nước thành 12 lộ, nhưng các bộ sử cũ chỉ cho biết tên 11 lộ. Qua văn bia chùa Giầu (thôn Trung, xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) thì tên lộ còn thiếu là Lợi Nhân và vùng đất Hà Nam phần lớn thuộc lộ này.
Nhà Minh sau khi đánh bại nhà Hồ, đặt phủ, châu, huyện ở nước ta, đại thể căn cứ vào tình hình ở cuối thời Trần. Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1419) thiết định sự lệ thuộc của đơn vị hành chính cấp dưới vào đơn vị hành chính cấp trên. Nước ta khi ấy chia làm 24 lộ, phủ, trấn. Trong lộ Đông Đô (hay lộ Đại La Thành) có 5 châu, một phủ. Tên châu Lỵ Nhân lần đầu tiên xuất hiện và thuộc lộ này. Thông thuộc vào châu Lỵ Nhân có 6 huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Cổ Bảng, Cổ Giả, Cổ Lễ, Lỵ Nhân.
Lê Lợi sau khi đánh đuổi quân Minh, trên lãnh thổ thống nhất chia cả nước làm 5 đạo: Nam đạo, Bắc đạo, Đông đạo, Tây đạo và Hải Tây đạo, đặt các lộ, trấn, phủ, châu, huyện thuộc vào các đạo. Châu Lỵ Nhân thuộc Nam đạo. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông chia các đạo thành 12 Thừa tuyên, vùng đất Hà Nam thuộc Thừa tuyên Sơn Nam. Tên châu Lỵ Nhân và 6 huyện không có gì thay đổi.
Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) đời Vua Lê Thánh Tông đổi Thừa tuyên thành xứ, tên gọi giữ nguyên. Đến niên hiệu Hồng Thuận (1509 - 1516) đời Vua Lê Tương Dực đổi xứ thành trấn. Hà Nam lần lượt thuộc xứ rồi trấn Sơn Nam. Dưới thời Vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) đổi trấn làm lộ. Trấn Sơn Nam chia làm hai lộ: Sơn Nam Thượng lộ và Sơn Nam Hạ lộ, vùng đất Hà Nam thuộc lộ Sơn Nam Thượng.
Thời Tây Sơn đổi lộ thành trấn có trấn Sơn Nam Thượng và trấn Sơn Nam Hạ, vùng đất Hà Nam thuộc trấn Sơn Nam Thượng. Năm Minh Mạng thứ 13 (1822) nhà Nguyễn đổi tên trấn Sơn Nam Thượng thành trấn Sơn Nam, trấn Sơn Nam Hạ thành trấn Nam Định.
Quá trình thành lập tỉnh Hà Nam Năm 1831, dưới triều Vua Minh Mạng, nhà Nguyễn tiến hành cải cách hành chính, thành lập các tỉnh thay cho các trấn, cả nước chia thành 29 tỉnh. Theo chủ trương này, vùng đất Hà Nam ngày ấy là phủ Lý Nhân nằm trong tỉnh Hà Nội.
Tháng 8 năm Kỷ Hợi (1839), triều đình cử Khâm sai đại thần Vũ Văn Cẩn đi nắm tình hình về nạn đói ở 5 huyện của tỉnh Hà Nội. Nghe Khâm sai về báo cáo, trình bày một số lý do, trong đó có việc địa hình cách trở, quản lý khó sâu sát Vua Minh Mạng đã có ý cắt một phần đất đai Hà Nội để thành lập tỉnh mới.
Qua các đời Vua Thiệu Trị, Tự Đức, việc này cũng được bàn đến, song vẫn bị gác lại. Yêu cầu thành lập một tỉnh mới tách ra từ tỉnh Hà Nội càng trở lên cần thiết khi Tổng đốc Hà Ninh - Hoàng Diệu có tờ tấu với triều đình ngày 10/10 năm Tân Tỵ (1881): “Núi sông cách trở, địa dư khác nhau, cằn cỗi, màu mỡ, phong tục xa xỉ, tiết kiệm phân biệt; quan lại cai trị ngại ngần lặn lội. Do vậy phải chia rạch ròi, phân công rõ rệt, để việc của ai thì người ấy gắng sức mà làm”.
Lý do Hoàng Diệu đưa ra hẳn đã tác động đến triều đình nhà Nguyễn, bởi vì ông là Tổng đốc kiêm quản cả hai tỉnh Hà Nội, Ninh Bình, am hiểu thực tế. Phủ Lý Nhân là một vùng đệm, Bắc, Nam đều có sông ngăn cách, địa lý, phong tục có đặc điểm riêng. Vì thế, ngày 4/12/1888 được sự khuyến khích của các quan lại trong triều, viên Công sứ người Pháp, tên Việt Nam là Nguyễn Đức Hợp cùng Nguyễn Huyên - Kinh lược sứ Bắc Kỳ của nhà Nguyễn đứng ra dàn xếp việc chia đặt. Kết quả gần 2 năm sau, ngày 21/3/1890, phủ Liêm Bình được thành lập, gồm 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm tách ra từ phủ Lý Nhân (tỉnh Hà Nội) cho thuộc vào tỉnh Nam Định, lỵ sở của huyện đặt tại xã An Dương (huyện Bình Lục). Phủ Liêm Bình tồn tại không lâu thì ngày 20/10 năm đó, Toàn quyền Đông Dương J.G Piquet ra Nghị định thành lập tỉnh mới Hà Nam, trên cơ sở:
Bỏ phủ Liêm Bình, đưa 3 huyện Nam Xang, Bình Lục, Thanh Liêm trở lại phủ Lý Nhân.
Cắt các tổng Kim Lũ (huyện Mỹ Lộc), Cổ Viễn (huyện Thượng Nguyên) thuộc phủ Xuân Trường, 5 xã tổng Vụ Bản (huyện Thiên Bản) phủ Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định sáp nhập vào huyện Bình Lục. (1)
Cắt 2 tổng Mộc Hoàn, Chuyên Nghiệp thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội nhập vào huyện Duy Tiên (2).
Như vậy, tỉnh Hà Nam hình thành trên đất đai và cư dân của phủ Lý Nhân được mở rộng thêm về phía Hà Nội (Bắc) và Nam Định (Nam).
Nghĩa là tên tỉnh Hà Nam là điều cần tìm hiểu. Những người quan tâm đưa ra 3 kiến giải khác nhau: Một là, Hà Nam: vùng đất phía Nam; Hai là, Hà Nam: tên ghép 2 chữ đầu của Hà Nội, Nam Định; Ba là, Hà Nam: vùng sông nước phía nam, nói khác đi là ở phía nam Hồng Hà (sông Hồng). Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy từ thời Hậu Lê trở đi có tư duy lấy kinh đô làm trung tâm để đặt tên (Bắc, Nam, Đông, Tây), về cơ bản 4 tỉnh liền khoảnh với kinh đô ở 4 phía được coi là quan trọng nhất (nội thuộc), ngoài các tỉnh đó là ngoại thuộc.
Thời Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 7 (1466), chia cả nước làm 12 Thừa tuyên, trong đó có 4 Thừa tuyên bao quanh kinh đô có yếu tố chỉ phương hướng so với kinh đô là: Kinh Bắc (ở phía bắc), Sơn Nam (ở phía nam), Sơn Tây (ở phía tây), Hải Dương trước kia là Hải Đông (ở phía đông). Thời Tây Sơn giữ nguyên đơn vị hành chính như thời Lê Hiển Tông, bao quanh kinh đô có 4 trấn: Kinh Bắc, Sơn Tây, Hải Dương, Sơn Nam Thượng (trong đó có phủ Lý Nhân). Khi bỏ trấn lập tỉnh, Minh Mạng kế thừa tư duy trước đó, lấy Hà Nội làm trung tâm, về 4 phương có các tỉnh Bắc Ninh (Bắc), Sơn Tây (Tây), Hải Dương, sau thay thế bởi tỉnh Hà Đông (Đông) và Nam Định (Nam). Có lẽ địa danh Hà Nam là sự thể hiện tư duy này, và như vậy tên tỉnh Hà Nam mang ý nghĩa là vùng đất ở phía nam Hà Nội.
Lúc thành lập năm 1890, Hà Nam gồm 5 huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Nam Xang (sau đổi thành Lý Nhân), Thanh Liêm, Bình Lục, tỉnh lỵ là Phủ Lý.
Trước năm 1890, toàn bộ vùng đất Hà Nam nằm dưới quyền cai trị của triều đình Huế, lúc ấy còn là phủ Lý Nhân thuộc tỉnh Hà Nội, do Tri phủ đứng đầu dưới quyền của Tổng đốc Hà Nội. Khi thành lập tỉnh, hình thức chính quyền có sự thay đổi theo chính quyền bảo hộ. Nắm toàn quyền bởi một viên Công sứ Pháp có tên là Phera, Tuần phủ chưa được triều đình cử mà mọi việc do viên Bố chính đảm nhiệm. Mãi đến năm 1904, Hà Nam mới có Tuần phủ của Nam triều là Nguyễn Hữu Đắc. Nhân sự kiện tỉnh Hà Nam mới thành lập, ông nghè Nguyễn Văn Tính - Đốc học tỉnh Hải Dương đã có thơ chữ Hán đề vịnh, tạm dịch như sau:
Tỉnh Hà Nam mới được thành lập Thuộc vùng Hà Nội đất Sơn Nam cũ Núi cao sông rộng, con người sớm có mặt Mảnh đất mới thêm làng, thôn, chợ, bến Chùa Tứ pháp nổi danh thần, Phật Ba con sông tô đậm công tích đế vương Núi Trinh còn lưu dấu cũ của công chúa triều Trần Chùa xưa ở núi Đọi do Vua Lý Thánh Tông xây dựng Thăm viếng thành lũy một thời binh lửa Trải bao thay đổi với giấc mơ vàng.
Bài thơ phác họa cô đọng nền cảnh địa văn hóa Hà Nam. Đó là một phần đất đai Hà Nội vừa được thành lập, trước đó thuộc trấn Sơn Nam. Nơi đây địa hình có núi, có sông, con người quần cư đông đúc từ rất sớm. Tỉnh mới ra đời lập thêm nhiều xóm làng, bến đò, chợ búa. Phật giáo hỗn dung với tín ngưỡng dân gian để thành tục thờ Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện) nổi tiếng với chùa Bà Đanh, Quế Lâm (Kim Bảng), chùa Bầu (thành phố Phủ Lý)... Ba con sông chảy qua hoặc chảy trọn vẹn trên đất Hà Nam (sông Hồng, sông Đáy, sông Châu) còn in lưu dấu tích vua chúa các thời. Ngôi chùa trên núi Trinh Tiết (Thanh Hải, Thanh Liêm) nhắc nhở sự việc công chúa Bạch Hoa cuối thời Trần về tu lánh nạn. Rồi ngôi chùa trên núi Đọi khởi đầu từ thời Lý Thánh Tông do Tể tướng Dương Đạo Gia xây dựng. Rồi những dấu tích thành lũy của Hồ Quý Ly trong cuộc kháng chiến chống quân Minh... Âm hưởng hoài cổ bao trùm, ý muốn nói mảnh đất này có căn rễ bền chắc, dù trải qua bao biến động “Biển xanh biến thành ruộng dâu” thì con người vẫn nuôi giấc mộng tốt lành. Kể từ sau khi được thành lập, tỉnh Hà Nam lại trải qua những thay đổi về cương vực, diên cách, đơn vị hành chính. Đầu tiên là theo Nghị định ngày 24/10/1909 của Toàn quyền Đông Dương A.Wklobukwski, Hà Nam có châu Lạc Thủy (gồm 2 tổng) chuyển từ tỉnh Hòa Bình sang. Tiếp đó ngày 7/3/1913, Toàn quyền Đông Dương A. P Sarraut ra Nghị định thay đổi gọi tỉnh Hà Nam thành Đại lý Hà Nam cho trực thuộc tỉnh Nam Định, đến ngày 31/3/1923 Toàn quyền Đông Dương F.M Baudouin lại ban hành Nghị định cho tách ra thành tỉnh Hà Nam như trước.
Trong kháng chiến chống Pháp, theo Nghị định của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định được đặt dưới quyền quản lý của tỉnh Hà Nam. Sau hòa bình lập lại trên miền Bắc, trước yêu cầu mới, lần lượt châu Lạc Thủy và 3 huyện trên của tỉnh Nam Định được trả về cho tỉnh cũ.
Năm 1965, đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Để tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, Nhà nước ta đã hợp nhất một số tỉnh. Tỉnh Nam Hà (bao gồm 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định) được thành lập theo Quyết định số 103-TVQH ngày 21/4/1965 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời cũng giải thể huyện Mỹ Lộc của tỉnh Nam Định, cắt 9 xã về cho huyện Bình Lục, 6 xã cho thành phố Nam Định.
Ngày 27/12/1971, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa V, kỳ họp thứ hai Quyết định thành lập một số tỉnh mới, trong đó tỉnh Nam Hà được hợp nhất với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Rồi 16 năm sau, ngày 26/12/1991, trong kỳ họp của Quốc hội lại quyết định chia tách tỉnh Hà Nam Ninh thành hai tỉnh Nam Hà, Ninh Bình như cũ.
Sau hơn 32 năm hợp nhất với tỉnh Nam Định rồi Ninh Bình, Hà Nam được tái lập trở lại với tên khai sinh theo Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khóa VIII, Kỳ họp thứ 10, ngày 06/11/1996 chia tỉnh Nam Hà thành 2 tỉnh Hà Nam, Nam Định. Huyện Mỹ Lộc cũ của tỉnh Nam Định được tái lập, nhận về 9 xã cũ thuộc huyện Bình Lục. Hiện nay, tỉnh Hà Nam có thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và 4 huyện: Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng.
Hà Nam với chiều sâu lịch sử, vùng đất từ rất sớm đã định hình cốt cách, con người, văn hóa. Sự kiện thành lập tỉnh Hà Nam 130 năm trước có ý nghĩa sâu sắc, làm nên một Hà Nam có căn tính riêng trong dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng. ___________
(1)Tổng Kim Lũ gồm 6 xã: Kim Lũ, Cổ Thị, Bỉnh Trung, Vũ Xá, Chân Ninh, Ngô Xá. Tổng Cổ Viễn gồm 9 xã: Cổ Viễn, Hưng Công, Sơ Lâm, Hàn Lâm, Cổ Mạo, Tử Thanh, An Đề, An Nội, An Lữ. Cắt 5 xã của tổng Vụ Bản là Văn Ấp, Thiết Khoán, Khê Câu, Sơn Lôi, Độ Việt. (2)Tổng Mộc Hoàn gồm 7 xã: Mộc Phàm, Hằng Dương, Nê Phố, Lãnh Trì, An Ninh, An Bảo, Nha Xá. Tổng Chuyên Nghiệp gồm 8 xã: Chuyên Nghiệp, Chuyên Thiện, Từ Đường, Quan Phố, Trung Gián, Thiện Mỹ, Yên Lệnh, Tường Lân.
Mai Khánh
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/ha-nam-ninh-tach-ra-nhung-tinh-nao-a29748.html