Mùa nào quả nấy! Vị rốt chua, giòn sật của những quả chua như nhót, sấu, xoài, cóc đã khiến biết bao chị em mê mẩn, để rồi chỉ cần nhìn thôi đã bị bắt thèm đến độ "ứa nước miếng". Ai trong đời chắc hẳn cũng thử một lần vị chua ngây người trong các loại quả dưới đây, điểm qua xem bạn là fan của quả nào nhé!
Dễ dàng bắt gặp những xe đẩy với đầy ắp các loại trái cây được cắt gọt vỏ sạch sẽ, ướp đá lạnh xung quanh nhìn mát cả mắt giữa trưa nắng Sài Gòn vội vã. Xen kẽ cạnh chiếc tủ kiếng mini đặt trên xe đẩy là hình ảnh những hũ thủy tinh với cóc muối, xoài ngâm, me ngào đường và không thể thiếu hũ Cà Na ngâm đã chuyển màu ngà ngà. Cà na ngon khi đã ngấm và không còn xanh nữa, vị chua của loại quả xuất thân từ miền Tây này chỉ cần chấm thêm muối tôm, muối ớt hay trộn đều thì hết xảy.
Sang xuân, màu xanh của chùm ruột chuyển dần sang vàng nhạt. Cả cây, từ gốc đến ngọn, chi chít những trái chùm ruột mọng nước, xung quanh có khía như những trái cà chua tí hon vàng ươm. Ngắm chùm trái bóng lộn, nặng trĩu trên cành, ai cũng ứa nước miếng. Mỗi độ hè về, đi ngang mấy cổng trường thấy xe bán đồ chua có thêm món chùm ruột ngâm muối đường chấm muối ớt lại quay quắt nhớ những kỷ niệm tuổi thơ nơi quê nhà.
Những ngày cuối tháng Ba, dạo qua các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), không khó để bắt gặp hình ảnh những xe hàng chở đầy nhót chín đỏ cả tuyến phố. Thứ quà quê có vẻ ngoài căng mọng, bắt mắt,... trở thành hương vị quen thuộc, dân dã của người dân Thủ đô mỗi dịp cuối xuân. Mùa nhót đến bất chợt và đi cũng bất ngờ. Chỉ mất khoảng hai tuần để từng chùm nhót xanh khoác cho mình bộ áo vàng ươm rồi nhanh chóng chuyển sang màu đỏ tươi thắm mọng.
Mùa nhót chín đỏ rực, bạn đều có thể bắt gặp loại trái chỉ nhìn thôi cũng đã phải "rớt nước miếng" này. Cầm trái nhót chín, xoa nhẹ vào vạt áo, gấu quần cho bay bớt lớp bụi phấn bám ngoài vỏ, chấm chút muối ớt rồi đưa lên miệng, bạn sẽ cảm nhận được bản giao hưởng tuyệt vời của vị mặn, ngọt, chua, cay từ món quà vặt này.
Xoài xanh và trái cóc là 2 thứ trái chua được liệt vào hàng yêu thích của nhiều cô, nhiều chị. Những món quà vặt này vốn chằng cần cầu kỳ, chỉ gọt vỏ, bổ miếng rồi chấm chút muối ớt hoặc cầu kỳ hơn là dầm với muối, đường, ớt cho đủ vị ngọt, mặn, chua, cay.
Nếu như xoài xanh giờ đã có gần như quanh năm thì muốn thưởng thức cóc, bạn sẽ phải đợi đến tháng tám, tháng chín âm. Cắn những miếng xoài, cóc, nghe vị chua ngọt cùng độ giòn rau ráu tan trong miệng, chắc hẳn chẳng ai có thể từ chối món quà chua hấp dẫn này.
Thơm là món quà vặt quá đỗi bình dân mà có lẽ ai cũng đã từng nếm thử. Không chua gắt như xoài, cóc, vị chua của thơm rất dịu lại đi kèm vị ngọt và có mùi thơm vô cùng quyến rũ. Nhìn những miếng thơm vàng óng như màu mặt trời được cắt đều mắt, bổ thành từng miếng rồi để cạnh chút muối ớt, đố ai mà cầm lòng không ăn một miếng. Mà ăn một rồi lại muốn ăn hai. Ăn đến độ rát lưỡi, tự bảo mình là "thôi chừa", ấy thế mà rồi khi nhìn thấy những xe dứa bên đường, lại chẳng cầm lòng được mà tạt vào mua.
Miền Bắc một năm có hai vụ thơm chính nên đây là một trong những món quà phổ biến trên đường phố. Thơm có khá nhiều loại, nhưng được ưa chuộng nhất vẫn là thơm mật được trồng ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An.
Đã từ bao lâu nay, sấu chín là món quà vặt “thời trân” của mùa thu Hà Nội. Quả sấu chín vàng ươm, được gọt xoáy trôn ốc chấm muối ớt hoặc dầm đường, muối là món quà vặt không thể không nếm của nhiều chị em. Nhón một quả sấu chín đưa lên miệng, nghe vị chua ngọt tan nhanh trên đầu lưỡi, bạn sẽ hiểu tại sao nhiều người Bắc đi xa lại chỉ đau đáu muốn được nếm lại món quà chua này.
Sấu chín rộ vào cuối tháng chín, đầu tháng mười và chỉ kéo dài trong khoảng hơn một tháng. Bởi chỉ xuất hiện ngắn ngủi như thế, nên những người trót phải lòng món này thường dặn những bà hàng quen mua hộ một vài cân để dành ăn dần, hoặc chí ít cũng phải tạt qua khu phố cổ để mua một vài lạng ăn cho đỡ thèm.
Nhắc đến các món quà chua mà không nhắc đến món quà của mùa hè này thì thật là thiếu sót. Cứ độ tháng năm, tháng sáu, trên các con đường Hà Nội lại xuất hiện những gánh, những xe hàng bán mận. Tuy đơn giản và thô sơ nhưng những gánh quả hồng tím này lại đủ sức níu chân mọi chị em.
Đầu mùa, mận còn đắt, chị em thường chỉ mua một vài lạng ăn cho đỡ cơn ghiền. Nhưng vào chính vụ, mận bắt đầu đỏ ối, và rẻ hơn, lắm người mua hàng cân về chấm muối ớt, ăn ngon lành đến nỗi các cụ già từ lâu đã không ăn được của chua vì ê răng trông thấy cũng phải thèm.
Ngoài mận hậu, mận cơm cũng rất được ưa chuộng. Mận cơm giòn tan, chua thanh nhưng quả nhỏ hơn mận hậu với đủ màu sắc như xanh, vàng, đỏ, tùy vào độ chín của quả.
Dường như bây giờ ít người còn ưa chuộng thứ quả dân dã và “quê mùa” này. Mọi người thường chỉ ghé chợ mua quả khế khi cần nấu bát canh cá chua hay để rang ít tép cho hợp vị. Nhưng nếu tình cờ nơi góc chợ, bạn thấy một bà, một cô bán "độc" một rổ khế chua “của nhà” vì nhiều quá không ăn hết với giá rẻ như cho thì đừng ngại ngần mua một ít về để thưởng thức.
Những quả khế nhìn đẹp như ngôi sao năm cánh, khi ăn gọt viền rồi cắt dọc làm năm múi, chấm với ít bột canh dầm ớt mới ngon làm sao. Vị khế thường chua gắt, nếu ăn nhiều còn có cảm giác hơi rát lưỡi những không vì thế mà có thể phủ nhận vị ngon mộc mạc của món quà quê này.
Nghe ê răng từ trong tên gọi, me trong ký ức của nhiều người là tiếng hít hà với vị chua của những trái me dốt xanh mởn, nồi canh chua thanh thanh lá me nấu chung với cá rô đồng.
Me, từ lâu đã trở thành một trong những món ăn chơi phổ biến. Me sống còn non hột, cạo sạch vỏ chấm mắm đường. Để lâu hơn một chút, trái lớn, hạt to dày cơm thì hái xuống, tách hột làm mứt. Nhưng cũng với trái me sống đó, nếu để chừng 3 - 5 ngày, nó thành dốt, thứ me vừa chín tới bột bột pha lẫn vị chua và ngọt. Khi đã chín hẳn, phần cơm ngả màu nâu, vị chua hay ngọt, tùy theo cây.
Cách đây chừng 10 năm, me ngọt ăn có mùa, thường tháng Giêng mới bắt đầu có. Nhưng bây giờ những trái me Thái Lan, theo chân các nhà buôn có suốt từ tháng 2 đến tháng 6. Trái me Thái ngắn ngủn, khô khô từng múi me nở to nhưng ruột thì không đầy đặn. Nhiều người ăn cứ tiếc và so sánh: me Thái ưu và nhược điểm cũng ở chỗ ngọt đậm đà. Vì bởi ăn me là phải chua chua, ngọt ngọt mới thích.
Dù bây giờ đã có bột sấy khô, viên xúp nhưng vị đặc trưng của trái me nguyên không thể thay đổi được trong nồi canh chua - một trong những món đặc trưng của người miền Nam.
Xem thêm:
Tổng hợp
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/qua-chua-a29834.html