Vân Đồn: Phục hồi cây đào phai sau lụt

Hạ Long (huyện Vân Đồn) là xã có thế mạnh về nghề trồng cây đào (đào phai), hiện có khoảng 50ha. Dịp giáp Tết hàng năm, rất nhiều người đến Hạ Long tìm mua đào phai. Để tăng thêm hiệu quả của việc trồng đào, từ năm 2013, huyện Vân Đồn đã xây dựng dự án phát triển sản xuất hoa đào chất lượng cao tập trung, nhằm phát triển sản xuất, nâng cao giá trị cây đào trên địa bàn. Đến nay dự án trồng được khoảng 200ha, trong đó xã Hạ Long chiếm khoảng 20% diện tích.

Ông Nguyễn Văn Sóng đang dự tính kế hoạch khôi phục vườn đào bị chết do đợt mưa lụt vừa qua. Ông Nguyễn Văn Sóng đang dự tính kế hoạch khôi phục vườn đào bị chết do đợt mưa lụt vừa qua.

Với người dân xã, đã có người đưa ra ý tưởng làm du lịch từ phát triển cây đào. Bởi trên địa bàn xã có chùa Cái Bầu hàng năm thu hút khá đông du khách thập phương nhất là vào dịp Tết, đây cũng là mùa hoa đào nở. Khi đó, du khách có thể thăm các vườn đào, chụp ảnh kỷ niệm bên những cây đào cổ thụ, nghe nghệ nhân trồng đào kể chuyện về sự tích và ý nghĩa của hoa đào ngày Tết, chia sẻ bí quyết giữ hoa đào tươi lâu… Hiện nhiều hộ gia đình ở xã thường để đào lâu năm mới bán, vì được giá hơn, đào kết trái rất nhiều, ăn không hết dùng làm rượu. Trên địa bàn xã có HTX Sản xuất thương mại dịch vụ chất lượng tốt Hạ Long, đã xây xong nhà xưởng, trồng được 4ha đào, có kế hoạch sản xuất rượu đào, là sản phẩm du lịch để bán cho du khách đến viếng thăm chùa Cái Bầu. Rượu đào cũng là ý tưởng Hạ Long đăng ký sản phẩm OCOP của xã.

Chúng tôi có dịp trở lại Hạ Long sau đợt mưa lụt vừa qua. Nhiều hộ trồng đào ở đây ngao ngán: Bao dự định phát triển cây đào đang phai dần theo cánh đào phai vì mưa lụt. Do ngập úng quá lâu, lại thêm sau mưa là nắng to, nước dưới chân gốc đào bị nóng. Đào là loại cây không ưa nước, không chịu được nóng gốc, nên đào héo dần rồi chết hẳn.

Ông Nguyễn Văn Sóng (thôn 5) bảo: “Về nhà thấy cảnh vườn tược bị mưa lụt phá hỏng càng thêm xót xa, nên có người trong thôn bỏ hẳn đi chơi xa nhiều ngày để khỏi nhìn vườn đào nhà mình chết dần”.

Ông Sóng có 300 gốc đào, sau đợt mưa lụt vừa qua, hiện đa phần đã héo khô, các cây còn lại cũng đã có cành héo. Chỉ vào những cây đào còn lá xanh, ông bảo: “Những cây này cũng đang chết dần hoặc có sống cũng chẳng ra hoa trái được nữa. Nếu không có mưa lụt, hàng năm gia đình tôi thu được vài chục triệu đồng từ bán đào, giờ thì chẳng còn hy vọng gì nữa”.

Ông Sóng dẫn tôi sang nhà ông Lê Chính Uỷ bên cạnh, người trồng được hơn 3.000 gốc đào, trong đó nhiều gốc tới 10 năm. Ông bảo, mỗi năm ông chi khoảng 70 triệu đồng để thuê người chăm sóc đào. Là người trồng đào đã nhiều năm, nên ông biết “lấy ngắn nuôi dài”, bên các gốc đào cổ thụ ông trồng xen khoảng hơn 1.000 gốc đào con. Ai thích mua loại đào nào ông cũng có thể đáp ứng, thấp thì 700.000 đồng một gốc, cây lâu năm thì vài chục triệu đồng. Nhiều cây đào được ông uốn tỉa công phu trong vườn từ năm này sang năm khác chờ khách chơi. Nào ai có thể lường trước được đợt mưa lụt như thế này. Ông Uỷ tính: “Nếu tôi tiếp tục duy trì nghề trồng đào, phải mất ít nhất 3 năm đào mới ra hoa, 10 năm sau số đào mới phục hồi như cũ. Nhưng tiền vốn lấy đâu ra, lấy gì sinh sống trong mấy năm chờ đợi…”.

Không chỉ nghề trồng đào, Hạ Long còn có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Đợt mưa lụt vừa qua đã gây hư hại khoảng 15ha lúa, 30ha rau màu, 10ha đầm nuôi trồng thuỷ sản... Ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Dự án phát triển đào Vân Đồn thực hiện ở nhiều xã trong huyện, nhưng bị thiệt hại do đợt mưa lụt vừa qua chủ yếu ở xã Hạ Long, do địa hình thấp. Hiện xã đã có số liệu thống kê các hộ bị thiệt hại do mưa lụt báo cáo huyện để hỗ trợ. Riêng với các hộ trồng đào, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ về cây giống để các hộ trồng lại.

Anh Vũ

Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/dao-bi-lut-a30508.html