TRỮ LẠNH/RÃ ĐÔNG PHÔI VÀ LƯU TRỮ PHÔI

Giới thiệu

Trữ lạnh phôi là phương pháp bảo quản phôi trong một thời gian dài trong điều kiện âm sâu (-1960C) bằng cách chuyển phôi về trạng thái thủy tinh hóa nhờ tác dụng của nitơ lỏng.

Trường hợp có thai đầu tiên từ chu kỳ chuyển phôi rã đông đã được báo cáo trong năm 1983. Tỷ lệ chuyển phôi rã đông ngày càng cao trong các chu kỳ hỗ trợ sinh sản và đến nay, tỷ lệ này đã lên đến 52%. Trên thế giới, số trẻ ra đời hàng năm bằng phương pháp trữ/rã phôi đông lạnh từ 350.000 - 500.000 trẻ.

Phương pháp trữ lạnh phôi

Kỹ thuật trữ lạnh phôi có thể thực hiện bằng cách làm lạnh chậm (hạ nhiệt độ chậm) hoặc làm lạnh cực nhanh (thủy tinh hóa). Tại Trung tâm, trữ lạnh phôi được thực hiện theo phương pháp thủy tinh hóa bởi vì phương pháp thủy tinh hóa tỏ ra chiếm ưu thế với nhiều ưu điểm vượt trội và khả năng an toàn cao với tỷ lệ sống phôi trên 99% sau rã đông. Tuy nhiên vẫn còn một tỷ lệ phôi thoái triển trong quá trình trữ lạnh và không thể thực hiện chuyển phôi.

Hình 1: Thao tác trữ phôi

Tại sao phải trữ lạnh phôi

Việc trữ lạnh phôi thường được tiến hành khi chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tạo được nhiều phôi và còn dư sau khi đã chuyển phôi tươi hoặc đối với chu kỳ cần trữ lạnh phôi toàn bộ để hạn chế nguy cơ quá kích buồng trứng. Ngoài ra, trữ lạnh phôi còn là biện pháp hiệu quả trong việc làm giảm tỷ lệ đa thai và tạo điều kiện làm tổ tối ưu hơn, giúp đơn giản hóa và giảm chi phí của chu kỳ điều trị tiếp theo.

Trữ lạnh có thể thực hiện vào mọi giai đoạn kể từ giai đoạn hợp tử và trong quá trình phôi phân cắt đến giai đoạn phôi nang (5-6 ngày). Tùy vào nhiều yếu tố tiên lượng như tuổi mẹ, tình trạng tử cung, nồng độ nội tiết, chất lượng phôi, kết quả các lần điều trị trước,… để quyết định số phôi chuyển vào buồng tử cung. Thông thường khoảng 1 - 3 phôi tươi sẽ được chuyển trong một chu kỳ điều trị. Số phôi thừa còn lại có thể được tiến hành trữ lạnh theo nguyện vọng bệnh nhân.

Khi nào rã đông phôi

Nếu chu kỳ chuyển phôi tươi thất bại, các phôi trữ lạnh có thể được rã đông và chuyển vào buồng tử cung trong chu kỳ khác mà không cần tiến hành một chu kỳ điều trị TTTON mới hoặc chu kỳ chuyển phôi trữ thất bại, nếu còn phôi trữ, bệnh nhân vẫn có thể tiếp tục được chuyển phôi rã đông tiếp theo.

Tỷ lệ có thai sau khi chuyển phôi trữ hiện nay khoảng 40-50%.

Hình 2: Thao tác rã đông phôi

Độ an toàn của trữ/rã đông phôi

Trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm trước đây cũng như kết quả trữ/ra phôi động vật đã không ghi nhận trường hợp nào nguy cơ dị tật bẩm sinh tăng khi sử dụng phôi đông lạnh. Các nghiên cứu ở người cho đến nay không có bất cứ trường hợp nào tăng dị tật bẩm sinh khi so sánh với kết quả thai kỳ của cộng đồng dân số.

Trong thực tế, tỷ lệ mang thai tăng lên sau khi cấy phôi đông lạnh, và kết cục chu sinh ít bị ảnh hưởng, so với chu kỳ chuyển phôi tươi. Điều này được lý giải là do nội mạc tử cung tối ưu hơn trong chu kỳ có kích thích buồng trứng. Trẻ em sinh ra từ phôi nang trữ lạnh có cân nặng cao hơn đáng kể so với những trẻ sinh ra từ phôi tươi. Đối với phôi phân chia sớm, thai kỳ từ phôi đông lạnh có kết quả sản khoa tốt hơn như giảm nguy cơ sinh non và nhẹ cân so với những đứa trẻ sinh ra từ chu kỳ chuyển phôi tươi.

Lưu trữ phôi

Phôi đông lạnh được lưu trữ ở nhiệt độ 196oC, do đó thời gian lưu trữ có thể kéo dài đến 20 năm. Tuy lưu trữ phôi trong một thời gian dài nhưng chất lượng phôi vẫn đảm bảo vì ở nhiệt độ âm sâu, hầu hết các hoạt động sinh học bên trong tế bào bao gồm các phản ứng sinh hóa và hoạt động trao đổi chất bị ngừng lại. Nhờ đó, tế bào sống ở dạng tiềm sinh và không có bất kỳ yếu tố nào bên trong cũng như bên ngoài có thể tác động đến.

Hình 3: Phôi được lưu trữ tác trữ phôi

CÁC DỊCH VỤ KHÁC

Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/ty-le-phoi-song-sau-ra-dong-a32673.html