Được xem là cây độc chết người, lá ngón khiến nhiều người vô cùng ám ảnh bởi những chất độc mà nó gây ra. Đã có rất nhiều câu chuyện về cái chết liên quan đến loại lá này nên mọi người cần phải biết được đặc điểm nhận dạng của lá ngón để tránh hậu quả nghiêm trọng do độc dược trong lá gây ra.
Lá ngón là một loại thực vật có thân quấn, màu xanh. Cây lá ngón có thể dài 12 m. Loại cây này còn có tên gọi khác là đoạn trường thảo (tức là đứt từng đoạn ruột). Cũng từ đó mà nhiều người cho rằng, uống nước lá ngón sẽ bị đứt ruột mà chết. Thực tế, không ít người đã bị ngộ độc khi ăn phải loại lá này.
Cây lá ngón thường được tìm thấy ở vùng núi. Trước đây, những người dân tộc vùng cao thường dùng lá ngón để tự tử. Với những độc dược có trong lá ngón, con người có thể chết ngay sau khi ăn hoặc uống nước. Hiện nay, các nghiên cứu cũng cho thấy, trong lá ngón có rất nhiều chất độc có thể gây chết người ngay lập tức.
Hiện tại, ở các tỉnh như Lào Cai, Hòa Bình, Tuyên Quang, Lạng Sơn,… đều có loại lá này. Hình ảnh cây lá ngón không phải ai cũng biết. Rất nhiều người nhầm lẫn loại cây này với các loại cây cảnh, rau ăn của địa phương. Ở Trung Quốc, lá ngón được sử dụng để đầu độc. Bên cạnh đó, người ta sử dụng lá ngón để chữa trị các bệnh như hủi, nấm ở tóc,…
Theo một số tài liệu được tìm thấy, lá ngón có thân và phần cành không có lông. Trên phần thân hơi có khía dọc. Lá ngón có hình thuôn dài, mọc đối xứng, đầu nhọn, bóng nhẵn. Thông thường, lá ngón sẽ dài khoảng 7 - 12 cm và có bề rộng 2,5 - 5,5 cm. Chúng thường mọc thành chùm ở đầu cành.
Hoa lá ngón thường nở vào tháng 6, 8, 10 và có màu vàng với 5 cánh. Quả của lá ngón có màu nâu, thon dài, rộng khoảng 0,5 cm, không có lông bao quanh. Hạt lá ngón khá nhỏ, có màu nâu nhạt. Ở các cành non, lá sẽ có màu xanh lục nhưng khá nhạt. Đến giai đoạn già, lá sẽ chuyển dần sang màu xám nâu nhạt.
Lá ngón là một loại cây rất độc, có thể giết chết con người bất cứ lúc nào. Độc tố có trong lá ngón ngấm rất nhanh, có thể qua đường tiêu hóa chỉ trong 5 - 10 phút. Thời gian gây chết người của lá ngón khoảng 1 - 7 tiếng. Do đó, mọi người cần phải thận trọng, nên phân biệt rõ lá này so với các loại lá khác, tránh sự nhầm lẫn dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình) cho biết, lá ngón là loại cây độc nhất ở nước ta. Chỉ cần con người ăn khoảng 3 lá ngón đã có thể chết ngay tại chỗ. Độc tính trong lá ngón rất mạnh. Người bị ngộ độc sẽ có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, khát nước, buồn nôn, đau rát cổ họng, tim đập yếu, khó thở, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đồng tử giãn,…
Bên cạnh đó, bác sĩ Nguyễn Đàm Chính (Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, alkaloid chính là độc tố có thể giết người trong lá ngón. Thành phần này nằm ở toàn bộ cây. Tuy nhiên, độc tính của chúng sẽ giảm dần từ theo thứ tự từ rễ, lá, hoa, quả, thân. Alkaloid là chất có tính bazơ, được tìm thấy ở các loài thực vật và động vật. Chúng có tác động rất nhanh đối với hệ thần kinh. Chỉ cần một lượng nhỏ alkaloid cũng đã khiến con người tử vong.
Tại khoa Sinh, Đại học Đà Lạt, các nghiên cứu cho thấy giã nhuyễn 10 ml nước cùng với 10 g lá ngón và cho 3 chú chuột uống 3 giọt. Chỉ sau 9 phút, những chú chuột này đã bị co giật và chết ngay sau đó. Cũng từ nghiên cứu này đã chỉ ra, chỉ cần mọi người ngắt lá, hoặc bẻ cành khiến cho chất nhựa độc dính vào tay và tiếp xúc với đồ ăn hoặc các vết thương hở sẽ đứng trước nguy cơ tử vong khá cao.
Theo bác sĩ Vũ Đức Định (Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện E Trung ương) cho biết, với những người bị ngộ độc lá ngón cần phải tiến hành các biện pháp sơ cứu kịp thời trước 1 tiếng. Điều này sẽ giúp hạn chế các chất độc ngấm dần vào cơ thể. Sau 1 tiếng, độc tính nhanh chóng thấm qua đường ruột và khiến người mắc phải tử vong ngay.
Đầu tiên, tìm mọi cách để bệnh nhân có thể nôn lá ngón ra. Dùng tay chọc sâu vào bên trong cổ họng của người bệnh. Khi tay chọc vào gốc lưỡi, người bệnh sẽ phản xạ nôn, lá ngón theo đó ra ngoài. Tiếp đến, cần phải nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ thực hiện các kỹ thuật cấp cứu khác. Tại đây, bác sĩ sẽ kiểm soát các chức năng sống của hệ hô hấp con người.
Bằng cách cho người bệnh nằm nghiêng và tiến hành hút đờm bên trong để thông thoáng đường thở. Sau đó, dùng các liệu pháp oxy, rửa dạ dày bằng nước ấm, đặt ống nội khí quản,… để duy trì mạch, huyết áp cho bệnh nhân. Đồng thời, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng than hoạt tính để hấp thụ các chất độc còn tồn đọng bên trong cơ thể và đường tiêu hóa.
Người bệnh sẽ được truyền dịch, lọc máu, bổ sung nước, sử dụng thuốc ổn định huyết áp, chống rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân có thể được cứu sống nếu được đưa đến bệnh viện và cấp cứu trước 1 giờ. Hiện nay, rất nhiều trường hợp nạn nhân không thể cứu sống được do thiếu hiểu biết và không được sơ cứu kịp thời, đúng lúc. Đặc biệt là những người dân vùng núi cao có số người tử vong do sử dụng lá ngón ngày càng tăng lên.
Hy vọng những thông tin vừa được chia sẻ bên trên sẽ giúp mọi người có thêm những kiến thức hữu ích về lá ngón. Độc tính trong lá ngón khá cao và có thể khiến những người ăn phải tử vong ngay. Trong cuộc sống hàng ngày, mọi người cần phải phân biệt loại lá này để tránh trường hợp nhầm lẫn ăn phải lá ngón và gặp phải hậu quả đáng tiếc.
→ Có thể bạn quan tâm:
- 14 công dụng của quả mơ và cách dùng tốt nhất
- Giá trị dinh dưỡng và công dụng của quả óc chó
- Các công dụng của ớt và lưu ý khi dùng
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/hinh-anh-cay-la-ngon-a53068.html