Năm nay, tỉnh Hà Nam đã xuất sắc vượt qua nhiều ứng viên nổi tiếng khác như: Bandar Seri Begawan (Brunei), Bohol (Philippines), Flores (Indonesia), Koh Kood (Thái Lan), Melaka (Malaysia), Morioka (Nhật Bản), Okinawa (Nhật Bản), Phnom Penh (Campuchia), đảo Sumba (Indonesia) và Taipei ở Đài Loan (Trung Quốc) để đạt danh hiệu "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á".
Sở hữu nhiều điểm đến nổi tiếng như Tam Chúc, chùa Bà Đanh, Đền Trần Thương, làng nghề, ẩm thực phong phú; năm ngoái, Hà Nam đón hơn 4,3 triệu lượt khách, tăng gần 39% so cùng kỳ. Với 6 tháng đầu năm nay, lượng khách và doanh thu du lịch của tỉnh đạt gần 90% kế hoạch năm.
Hà Nam nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, cách thủ đô khoảng 65 km. Đây là mảnh đất giàu tiềm năng phát triển du lịch tâm linh, văn hóa, sinh thái và ẩm thực khi sở hữu nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh và làng nghề nổi tiếng. Trong đó có những điểm du lịch thu hút đông đảo du khách như Quần thể danh thắng chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Long Đọi Sơn, Vương Cung thánh đường Sở Kiện …
Đối với người yêu du lịch các tỉnh miền Bắc, Hà Nam luôn là điểm đến lý tưởng nếu chỉ có một ngày để được đi thăm thú, hoặc là nơi dừng chân trong mỗi cuối tuần mà không phải di chuyển quá xa, vì ngoài văn hóa ẩm thực phong phú, đặc sắc, tỉnh Hà Nam còn là nơi có các danh lam thắng cảnh nức tiếng bao đời.
Nhà Bá Kiến
Có lẽ trong số chúng ta đều từng biết đến Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở trong những áng văn học nổi tiếng của nhà văn Nam Cao. Khi tận mắt chứng kiến nhà Bá Kiến, du khách như một lần nữa được sống lại những năm 40-45 của thế kỉ trước.
Nhà của Bá Kiến có địa chỉ thuộc xóm 11, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nhà của Bá Kiến được xây dựng với kiến trúc đặc trưng vùng quê Bắc Bộ, gồm 4 hàng cột, với hơn chục cây gỗ lim cổ thụ quý hiếm hàng trăm năm tuổi. Vì vậy đã qua trăm năm nhưng ngôi nhà vẫn giữ được nét nguyên sơ, cổ kính của nó.
Động Phúc Long
Động Phúc Long nằm trong khu núi Chùa thuộc trung tâm dãy núi Kiện Khê. Núi Chùa được cấu tạo từ nhiều khối đá lớn xếp chồng lên nhau, đầu mỏm đá lởm chởm, hình thù kỳ dị như chiếc đầu rồng, có những ngọn đá nhọn lên như sừng rồng và ngôi chùa như tâm điểm miệng con rồng. Trong động còn có rất nhiều thạch nhũ đá long lanh, huyền ảo. Chính sự kỹ vĩ đó đã khiến động Phúc Long trở thành địa điểm du lịch Hà Nam cực kỳ thu hút du khách.
Bát Cảnh Sơn
Bát Cảnh Sơn là khu di tích nổi tiếng thuộc địa phận xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Gọi là Bát Cảnh Sơn bởi nơi đây là dãy núi 8 cánh, theo ghi chép xưa, Bát Cảnh Sơn là nơi của các vị vua chúa, quần thần thường đến thưởng ngoạn cảnh đẹp. Tuy rằng theo thời gian nhiều ngôi chùa đã không còn nữa, nhưng Bát Cảnh Sơn vẫn được đông đảo du khách đến tham quan hàng năm.
Các ngôi chùa đều có kiến trúc cổ xưa, mang hơi thở cổ kính, uy nghiêm. Bao gồm: đền Tiên Ông (Đền Ông), chùa Ông, chùa Tam Giáo, chùa Kiêu, Chùa Bà, Chùa Cả, chùa Vân Mộng…
Đến Hà Nam, ẩm thực là một nét văn hóa đặc sắc không thể bỏ qua. Bánh cuốn chả nướng Phủ Lý, bánh đa cá rô đồng, cá kho làng Vũ Đại, bánh chưng làng Đầm, bánh đa Kiện Khê, mắm cáy Bình Lục, chuối tiến vua Đại Hoàng, cá đối Tam Chúc, bánh đa nem làng Chều, rượu Vọc, kẹo lạc Châu Giang… đều sẽ là những "thức quà" níu chân du khách.
Làng kho cá Vũ Đại bao đời nay vẫn nức tiếng gần xa bởi công thức cá kho đặc biệt, vị cá đậm đà được tẩm ướp cẩn thận cùng gừng, riềng, nước cốt chanh, nước cốt cua đồng, ớt, hành khô...
Để phát triển xứng tầm thương hiệu điểm đến thế giới, Hà Nam hoàn thiện hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư vào công nghiệp, du lịch dịch vụ với hơn 1.200 dự án. Tại khu vực Bắc Châu Giang, Thành phố Phủ Lý vừa khởi công dự án đô thị gần 420 ha, trong đó có đến 200 ha dành cho không gian cây xanh, mặt nước, và các công viên văn hóa, sinh thái, thể thao, lễ hội, tổ hợp khách sạn hiện đại. Dự án hứa hẹn không chỉ thay đổi bộ mặt đô thị, mà còn tăng sức bật cho du lịch Hà Nam trên bản đồ du lịch trong nước và khu vực.
Ông Trương Quốc Huy - Chủ tịch UBND Tỉnh Hà Nam - cho biết: "Với quan điểm hướng tới thu hút các nhà đầu tư có tâm, có tầm, có năng lực tài chính, có năng lực kinh nghiệm, tôi tin rằng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi, diện mạo giao thông của Hà Nam sẽ hoàn toàn thay đổi. Chúng tôi sẽ có một đô thị đồng bộ về quy hoạch, một đô thị có đầy đủ tiện ích cung cấp cho người dân và đáng sống. Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2030 sẽ đón hơn 10 triệu du khách".
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/ha-nam-co-gi-a76528.html