Các nghi thức lễ cưới ở nhà trai theo phong tục truyền thống

Đám cưới là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi người. Vì vậy, bất kỳ ai cũng mong muốn ngày này sẽ diễn ra với sự chỉn chu nhất có thể theo các nghi thức cưới hỏi đúng với phong tục, văn hóa quê nhà. Theo nhịp sống hiện đại, các thủ tục đã dần được lược bớt. Dù vậy, việc nắm bắt các nghi thức cần thiết là điều nên làm, đặc biệt là đối với các chàng rể. Những nghi thức lễ cưới ở nhà trai được đề cập dưới đây sẽ giúp bạn tổ chức đám cưới một cách trọn vẹn nhất.

LỄ CƯỚI NHÀ TRAI VÀ CÁC NGHI THỨC BẠN CẦN BIẾT

Chuẩn bị sính lễ

Sính lễ cưới hỏi có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng trong ngày hôn sự của đôi lứa. Sự xuất hiện của các lễ vật nhằm mục đích chứng thực cho cuộc hôn nhân giữa nhà trai và nhà gái. Đồng thời, đây cũng là cách bày tỏ lòng sự trân trọng, lời cảm tạ của nhà trai đối với gia đình nhà gái về công lao sinh thành, dưỡng dục để hôm nay cô dâu chú rể được thành đôi. Thông thường, các tráp lễ vật đầy đủ bao gồm:

Chuẩn bị sính lễ cưới hỏi

Tráp trầu cau: Hình ảnh trầu cau là biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng keo sơn, gắn bó là sính lễ không thể thiếu trong trọng ngày cưới hỏi của người Việt.

Tráp trà và rượu: Đây là lễ vật dâng lên ông bà tổ tiên, thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu cũng như là cầu nối để tổ tiên chứng giám cho ngày vui của đôi lứa.

Tráp bánh: Các loại bánh thường dùng trong lễ cưới hỏi là bánh phu thê, bánh pía, bánh cốm nhân đậu xanh, bánh kem,.. tùy từng vùng miền nhưng đều mang ý nghĩa chúc phúc cho cuộc sống của cặp đôi sau này luôn ngọt ngào, trọn vẹn.

Tráp trái cây: Những loại quả tươi ngon, có màu sắc nổi bật, bắt mắt như dưa, táo, lê, nho, cam, xoài,… là món quà từ thiên nhiên, thể hiện mong ước cho tình yêu luôn đơm hoa kết trái, sớm cho “quả ngọt” và hạnh phúc dài lâu.

Tráp xôi gà: Mâm xôi cùng với con gà theo quan niệm của người xưa là biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy, may mắn sẽ đến với cặp vợ chồng mới cưới.

Tráp tiền nạp tài: Đây là món sính lễ do nhà gái thách cưới, thường được đặt chung với mâm trầu cau hoặc để riêng trong phong bao đỏ, khi nhà trai mang sang nhà gái.

Vàng cưới: Nói cách khác là của hồi môn nhà trai chuẩn bị cho cô dâu, có thể bao gồm dây chuyền, kiềng vàng, lắc tay, bông tai,… Ngoài ra còn có cặp nhẫn cưới mà cô dâu chú rể đã chuẩn bị từ trước đó.

Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị các tráp lễ khác tùy vào phong tục và điều kiện kinh tế.

Lễ đón dâu

Trước giờ đón dâu, nhà trai cần kiểm tra lại sính lễ xem đã đầy đủ hay có vấn đề gì không. Sau đó, nhà trai cần cân nhắc lựa chọn tuyến đường đi đón dâu sao cho thuận lợi, để có thể kịp đến nhà đúng giờ lành. Nhà trai nên khởi hành trước 30 phút để tâm lý thoải mái, tránh các sự cố không mong muốn.

Nghi thức đón dâu

Người chủ hôn sẽ dẫn đầu đoàn hôn lễ, theo sau là các đoàn xe đại diện cho nhà trai và nhà gái. Cô dâu sẽ được đưa đón bằng xe hoa. Những người tham gia lễ đón dâu bao gồm quan viên hai họ, người thân, bạn bè của cô dâu chú rể. Tùy theo phong tục vùng miền, ba mẹ cô dâu sẽ không tham gia đoàn rước dâu ở miền Bắc và miền Trung. Đối với các gia đình miền Nam thì ba mẹ cô dâu thường theo đoàn rước dâu về nhà trai và chứng kiến hôn lễ của con gái mình.

Lễ gia tiên

Sau khi đón dâu, cô dâu và chú rể sẽ tiến hành nghi thức quan trọng tại nhà trai, đó là lễ gia tiên và ra mắt quan viên, họ hàng nhà trai. Cặp đôi sẽ thực hiện nghi thức này cùng với bố mẹ chú rể, trước sự chứng kiến của đoàn rước dâu. Đầu tiên, đại diện họ nhà trai sẽ thắp hương đèn, đọc bài khấn rồi cô dâu chú rể sẽ làm theo hướng dẫn của người chủ trì.

Nghi thức lễ gia tiên đã xong, cặp uyên ương sẽ cùng mời trà nước cho người lớn trong nhà và bố mẹ chú rể. Sau đó, cô dâu chú rể sẽ trao nhẫn cưới và tiếp tục các nghi thức khác của lễ thành hôn như cắt bánh, uống rượu giao bôi trước sự chứng kiến và chúc phúc của gia đình, họ hàng và bạn bè. Kể từ giờ phút đó trở đi, họ chính thức nên duyên vợ chồng và tham gia buổi tiệc mừng cưới cùng khách mời.

TRANG PHỤC CHO NGHI THỨC LỄ CƯỚI NHÀ TRAI

Trang phục cho chú rể: Vào ngày trọng đại, đa phần các chú rể đều chọn cho mình những bộ vest cưới lịch lãm, kết hợp với đồng hồ hay hoa cưới cài áo. Khi làm lễ ăn hỏi, những người yêu thích phong cách truyền thống thường lựa chọn áo dài đôi với cô dâu.

Trang phục cho cô dâu: Tương tự như chú rể, trang phục cho lễ ăn hỏi của cô dâu là một bộ áo dài cưới truyền thống, để tôn lên vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng của người phụ nữ Việt. Vào ngày cưới, những chiếc váy cưới là lựa chọn phù hợp nhất khi cô dâu sánh bước bên chú rể vào lễ đường.

Trang phục cho nghi thức lễ cưới nhà trai

Trên đây là chia sẻ về các nghi thức lễ cưới nhà trai theo phong tục truyền thống. Đây còn là cách để giữ gìn nét đẹp văn hóa dân tộc được các gia đình Việt duy trì nhiều đời qua, cũng chính là lời chúc phúc của hai bên gia đình cho hạnh phúc lứa đôi luôn vẹn tròn, viên mãn.

Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/nghi-thuc-le-cuoi-o-nha-trai-a79502.html