Dân tộc Hmông

1. Nguồn gốc lịch sử: Cách nay khoảng 4-5 nghìn năm, hai tộc người Hmông và Dao cùng bị người Hán đẩy ra khỏi vùng đất Tam Miêu ở Trung Quốc, phải chịu các cuộc binh chiến và thiên di kéo dài hàng nghìn năm. Vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, họ bắt đầu thiên di vào vùng Đông Nam Á.

Dựa trên màu sắc đặc điểm trang phục và ngữ âm, người Hmông ở Việt Nam được chia thành 4nhóm địa phương: Hmông Trắng, Hmông Đen, Hmông Xanh và Hmông Hoa.

2. Dân số: 1.393.547 người tính đến thời điểm ngày 1/4/2019. 711 066, 682 481 (Theo Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 của Ủy ban Dân tộc Việt Nam - Tổng cục Thống kê).

3. Ngôn ngữ: Thuộc hệ Hmông-Dao.

4. Phân bố địa lý: Chủ yếu ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Đắk Nông… Hiện nay người Hmông đã di cư sang nhiều nơi khác như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lâm Đồng.

5. Đặc điểm chính:

Dân tộc Hmông ảnh 1 Nhà gỗ của người Hmông ở Đồng Văn, Hà Giang.

- Nhà ở: Nhà sàn, nhà gỗ lợp tranh, nhà trình tường đất. Nhà trệt có ba gian hai chái, có từ hai đến ba cửa. Gian giữa đặt bàn thờ.

Dân tộc Hmông ảnh 2 Nhà có tường đất và có hàng rào đá của người Hmông ở Đồng Văn, Hà Giang.

Ở vùng cao núi đá, mỗi nhà có một khuôn viên riêng cách nhau bằng bức tường xếp đá cao khoảng gần 2m. - Cấu trúc gia đình: Phụ hệ.

Dân tộc Hmông ảnh 3 Thiếu nữ Hmông ở Mộc Châu (Sơn La).

- Trang phục truyền thống: Trang phục của người Hmông rất sặc sỡ, đa dạng.

Phụ nữ Hmông Trắng trồng lanh, dệt vải lanh, váy màu trắng, áo xẻ ngực, thêu hoa văn ở cánh tay, yếm sau. Cạo tóc, để chỏm, đội khăn rộng vành.

Dân tộc Hmông ảnh 4 Phụ nữ Hmông đi chợ Đồng Văn, Hà Giang.

Phụ nữ Hmông Hoa mặc váy màu chàm có thêu hoặc in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ nách, trên vai và ngực đắp vải màu và thêu. Ðể tóc dài, vấn tóc cùng tóc giả.

Phụ nữ Hmông Ðen mặc váy bằng vải chàm, in hoa văn bằng sáp ong, áo xẻ ngực.

Phụ nữ Hmông Xanh mặc váy ống. Phụ nữ Hmông Xanh đã có chồng cuốn tóc lên đỉnh đầu, cài bằng lược móng ngựa, đội khăn ra ngoài. Trang trí chủ yếu bằng đắp ghép vải màu, hoa văn thêu chủ yếu hình con ốc, hình vuông, hình quả trám, hình chữ thập.

Nam giới: Quần áo màu đen, áo cánh ngắn, quần dài, dùng khăn quấn đầu.

- Ẩm thực: Móng ăn tiêu biểu gồm mèn mén (bột ngô đồ), các loại bánh bằng bột ngô, gạo, rượu ngô, rượu gạo, thắng cố (chảo canh) gồm các loại thịt, xương, lòng, gan, tim, phổi bò (dê, ngựa…) nấu chung trong chảo to.

Dân tộc Hmông ảnh 5 Người Hmông dự Tết Độc lập ở Mộc Châu (Sơn La).

- Lễ tết: Người Hmông ăn Tết năm mới truyền thống từ đầu tháng 12 âm lịch, sớm hơn tết Nguyên đán một tháng.

Một số nơi, người Hmông còn tổ chức Tết Độc lập vào ngày Quốc khánh 2/9 hằng năm.

- Tín ngưỡng: Người Hmông thờ ông Trời. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Vật linh giáo, đến nay người Hmông vẫn có quan niệm về “vạn vật hữu linh”, tức mọi vật đều có linh hồn, khi vật chết đi thì hồn sẽ biến thành ma; nếu người thân chết thì hồn biến thành ma tổ tiên và được con cháu thờ cúng tại bàn thờ trong nhà.

Dân tộc Hmông ảnh 6 Phụ nữ Hmông và những cuốn tóc độc đáo.

Bên cạnh đó, người Hmông còn bị ảnh hưởng bởi Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, tuy nhiên các loại tôn giáo này đều hòa quyện cùng với Vật linh giáo, vì vậy, thầy cúng người Hmông luôn giữ vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Ngoài thờ cúng tổ tiên, mỗi gia đình còn cúng ma bếp, ma cửa, ma buồng...; trong dòng họ thì thờ cúng ma dòng họ; ở phạm vi cộng đồng dân cư có thờ cúng ma bản bao gồm các thần phù hộ và thổ thần của bản, cúng cầu mưa hoặc cầu nắng, cúng diệt trừ sâu bọ...

Dân tộc Hmông ảnh 7 Trẻ em người Hmông ở Đồng Văn, Hà Giang.

Điều kiện kinh tế: Chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, như trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, đánh cá, hái lượm. Ngoài ra người Hmông còn sản xuất thủ công gia đình , làm dịch vụ thương mại và các ngành nghề khác. Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ hộ nghèo là 52,6%; Tỷ lệ hộ cận nghèo: 12,8%; Tỷ lệ thất nghiệp: 1%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ: 4,2%; Tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực phi nông nghiệp: 5,2%; Tỷ trọng lao động làm công việc quản lý hoặc CMKT bậc cao và trung: 1,3%; Tỷ lệ hộ làm nghề thủ công truyền thống: 0,30%

Điều kiện giáo dục: Theo “Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019” do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông: 54,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học: 99,9%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở: 77,3%; Tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông: 29,5%; Tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường: 22,6%.

(Nguồn:

- Các dân tộc ở Việt Nam (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật)

- Đặc trưng cơ bản của 54 dân tộc thiểu số năm 2019 (Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê)

- Website Ủy ban Dân tộc

- Kết quả điều tra thu thập thông tin về tình trạng kinh tế xã hội của 54 dân tộc Việt Nam)

Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/dan-toc-mong-o-dau-a79547.html