Cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt hiện nay rất đa dạng. Kinh nguyệt là một tình trạng sinh lý tự nhiên xảy ra định kỳ hàng tháng ở phụ nữ nhưng có thể gây bất tiện khi chị em đi du lịch hay công tác. Vậy, có những cách nào để trì hoãn kinh nguyệt? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS.BS Vũ Duy Thái - Bác sĩ Sản phụ khoa, Trung tâm Sức khỏe Phụ nữ - Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế Vinmec Times City.
Kinh nguyệt là tình trạng lớp niêm mạc tử cung bong tróc có chu kỳ do sự biến đổi nội tiết, gây chảy máu từ buồng tử cung ra âm đạo. Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người thường dao động trung bình là 28 ngày.
Thuốc trì hoãn kinh nguyệt chứa hormone progesterone có thể được sử dụng để dời ngày kinh. Cơ chế hoạt động của thuốc chứa progesterone làm chậm ngày kinh dựa trên việc hormone này ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, hormone estrogen kích thích sự phát triển của niêm mạc tử cung trong nửa đầu chu kỳ. Sau đó, hormone progesterone tác động vào nửa sau của chu kỳ kinh. Điều này giải thích tại sao các bác sĩ thường chọn progesterone chứ không phải estrogen để điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.
Trong những ngày cuối của chu kỳ kinh nguyệt, lượng progesterone giảm dần khiến niêm mạc tử cung bong ra và gây chảy máu kinh nguyệt. Chị em sử dụng thuốc chậm kinh chứa hormone progesterone sẽ ngăn cản quá trình này xảy ra và trì hoãn kinh nguyệt.
Dù phần lớn các trường hợp sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt đều hiệu quả và an toàn nhưng kết quả sẽ khác nhau đối với từng cá nhân. Đồng thời, chị em không nên sử dụng phương pháp này thường xuyên do các loại thuốc này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ hormone tự nhiên của cơ thể.
Vì vậy, cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt này chỉ nên được sử dụng trong những trường hợp cần thiết và chị em cần để chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường càng sớm càng tốt.
Mọi loại thuốc đều có khả năng gây ra tác dụng phụ không mong muốn. Các tác dụng phụ của loại thuốc này tương tự như những tác dụng phụ do thừa hormone progesterone gây ra, bao gồm: trướng bụng, mụn trứng cá và những thay đổi tâm trạng do mất cân bằng hormone.
Cơ thể mỗi người phụ nữ sẽ có thời gian kinh nguyệt trở lại sau khi ngừng thuốc khác nhau, thường dao động từ 10 đến 15 ngày. Trong một số trường hợp, kinh nguyệt có thể xuất hiện ngay lập tức chỉ sau vài giờ ngừng thuốc.
Chị em không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả, chị em nên tìm đến sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám cũng như chỉ định thích hợp trước khi kỳ kinh đến, ít nhất 1 tuần hoặc 10 ngày.
Nếu có dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc, chị em cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức. Nếu ngừng sử dụng thuốc được 15 ngày mà không có kinh trở lại, chị em cần đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân chính xác.
Hướng dẫn sử dụng và liều dùng thuốc trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt như sau:
Với cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt bằng thuốc tránh thai hàng ngày, chị em có thể thực hiện như sau.
Đối với thuốc tránh thai hàng ngày có 21 viên, chị em chỉ cần uống 21 viên thuốc như bình thường. Sau khi uống hết vỉ đầu tiên, thay vì nghỉ 7 ngày rồi bắt đầu vỉ mới, chị em nên tiếp tục sử dụng vỉ thuốc mới liền ngay sau vỉ đầu tiên mà không nghỉ ngày nào.
Để làm chậm kinh nguyệt trong vài ngày để đi du lịch, ví dụ như muốn dời ngày "đèn đỏ" đi 4 ngày, chị em sẽ cần phải uống số viên thuốc tránh thai tương ứng là 4 viên (mỗi ngày 1 viên ở giờ cố định) từ vỉ mới. Cách để làm chậm kinh nguyệt 1 tháng là uống hết toàn bộ 21 viên trong vỉ thuốc tránh thai hàng ngày.
Nếu sử dụng loại thuốc tránh thai hàng ngày có 28 viên, chị em chỉ cần uống 21 viên màu trắng và bỏ qua 7 viên màu nâu (giả dược). Sau đó, chị em bắt đầu vỉ mới bằng cách uống viên số 1 và tiếp tục uống hàng ngày như bình thường để trì hoãn kinh nguyệt tháng đó.
Nếu không sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày, cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt bằng progesteron đòi hỏi chị em uống ít nhất từ 3-4 ngày trước khi kỳ kinh bắt đầu và tiếp tục uống đều đặn cho đến khi muốn có kinh trở lại.
Tuy nhiên, để áp dụng phương pháp này, chị em cần phải có sự chỉ dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa. Liều dùng thuốc theo cách này phụ thuộc vào cân nặng và tình trạng sức khỏe hiện tại, do đó, chị em nên thăm khám trực tiếp bác sĩ để được kê đơn thuốc phù hợp nhất.
Sau khi ngưng dùng thuốc, chị em có khả năng xuất hiện kinh nguyệt ngay lập tức nhưng những người bị rối loạn nội tiết tố nữ phải mất từ 7 đến 10 ngày mới có kinh nguyệt trở lại.
Kinh nguyệt là một hiện tượng tự nhiên báo hiệu sức khỏe sinh sản ở phụ nữ. Do đó, bất kỳ phương pháp làm chậm kinh nào đều có thể gây rối loạn nhịp sinh học của cơ thể. Chị em không nên sử dụng các cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt này trong thời gian dài để tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh con.
Mặt khác, do cơ địa mỗi người khác nhau nên hiệu quả của các phương pháp làm chậm kinh cũng sẽ khác nhau và không phải ai cũng có thể áp dụng được.
Nhìn chung, cách làm chậm chu kỳ kinh nguyệt bằng thuốc thường khá an toàn và hiệu quả nhưng chị em không nên lạm dụng. Thay vào đó, chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa sản để được tư vấn và hướng dẫn cách sử dụng một cách hiệu quả.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là nơi thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý, bao gồm cả chuyên khoa Sản. Khi thăm khám tại Vinmec, quý khách hàng sẽ được chào đón và sử dụng các cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại cùng với dịch vụ y tế chất lượng cao dưới sự hướng dẫn và tư vấn của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo bài bản cả trong nước và quốc tế.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Link nội dung: https://aicschool.edu.vn/lam-sao-de-khong-co-kinh-nguyet-a86358.html