Hoa Mộc Lan - loài hoa kiêu sa sở hữu vẻ đẹp tuyệt hảo cùng mùi hương quyến rũ. Không chỉ đẹp, thơm mà Mộc Lan còn là loại cây có nhiều công dụng cũng như ý nghĩa trong cuộc sống. Vì vậy mà Mộc Lan là loài hoa được nhiều người ưa chuộng và mến mộ. Cùng Nhà Vườn Ngọc Lâm tìm hiểu cách chăm sóc như nào để cây có thể sinh trưởng một cách tốt nhất và cho ra hoa đẹp nhất nhé!
Thông tin về hoa Mộc Lan
Nguồn gốc của cây hoa
Video Hoa Mộc Lan Tại Nhà Vườn Ngọc Lâm
Hoa Mộc Lan có tên khoa học là Magnoliaceae. Giống Mộc Lan lần đầu tiên được tìm thấy ở nước Pháp nhưng sau này lại phát triển phổ biến ở các nước Đông Á và Đông Nam Á. Nhờ vẻ đẹp lộng lẫy, quý phái cũng như hương thơm quyến rũ đặc trưng mà nó được ưa thích tại nhiều nước khác nhau. Đặc biệt là Mộc Lan còn được làm hoa biểu tượng cho 2 tiểu bang Mississippi và Louisiana của Mỹ.
Loài cây này còn có nhiều tên gọi khác như cây Mộc Giáng Hương, cây Mộc Hương, hoa Một, Bạch Ngọc Lan, hoa Mộc Miên,…. Mộc Lan là cây thân gỗ, sống lâu năm. Chiều cao trung bình của cây từ 2 - 20m, đặc biệt ở điều kiện tốt cây có thể cao đến 30m. Lá cây có hình bầu dục, thon dài dần về phía đầu lá, bóng ở mặt trên, mặt dưới được bao phủ bởi lớp lông tơ mịn khá dày, mép nguyên. Những chiếc lá hoa mộc lan có màu xanh đậm và mọc so le trên cùng một cành.
Hoa thường mọc đơn lẻ ở đầu cành, phần nách lá hay bất kỳ khe cành nào. Vì vậy, trên một cây sẽ có nhiều bông hoa lớn nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, hoa có đường kính khá to, khoảng 12 - 15cm. Một bông hoa có khoảng 12 cánh hoa lớn nhỏ. Nhị hoa có màu sắc đồng đều với màu cánh hoa tạo nên vẻ đẹp hút hồn.
Mộc Lan rất sai hoa và có thời gian nở hoa lâu, có khi kéo dài đến 1 tháng mới tàn. Cây Mộc Lan có đặc điểm riêng biệt là trước khi nở hoa lá sẽ rụng hết. Vậy nên tổng thể Mộc Lan mang lại một vẻ đẹp bồng bềnh, diễm lệ mà lãng mạn. Hương Mộc Lan thơm quyến rũ mà đặc trưng riêng nên thường được chiết xuất thành các loại nước hoa.
Công dụng của hoa
Hoa Mộc Lan có khá nhiều công dụng trong cuộc sống.
+ Trong y học:
- Mộc Lan có tính nóng, vị cay nên được sử dụng làm nguyên liệu trong Đông Y chữa đau bụng, đau răng, sổ mũi, xoang, viêm họng, ho nhiều đờm, tiểu tiện khó,….
- Nụ hoa sắc uống như thuốc bổ.
- Rễ cây có vị ngọt, tính bình, hơi chát chữa chứng đau lưng, phong thấp.
- Quả cây Mộc Lan điều trị chứng đau gân, cảm lạnh hay đau dạ dày.
- Vỏ cây có thể sắc làm nước uống giúp đẹp da, sáng mắt.
+ Dùng chiết xuất nước hoa bởi hương thơm quyến rũ, đặc trưng hoặc làm trà. Hoa còn được sử dụng làm hoa cưới hay hoa bày trong những bữa tiệc sang trọng.
+ Gỗ Mộc Lan - loại gỗ quý - được sử dụng để chế tác đồ nội thất cao cấp, đồ gỗ thủ công mỹ nghệ, đóng tàu thuyền.
+ Cây Mộc Lan còn được dùng để làm trang trí cho không gian sống của bạn (cây bonsai) hoặc được trồng làm cây bóng mát. Mộc Lan được trồng nhiều ở những nơi công cộng, khách sạn, khu đô thị, công viên hoặc sân vườn nhà.
+ Cây Mộc Lan còn có tác dụng thanh lọc không khí, hút các khí bụi bẩn độc hại rất tốt đem đến không gian trong lành.
Ý nghĩa hoa Mộc Lan
Ý nghĩa hoa mộc lan trong phong thủy: Xét về mặt phong thủy thì Mộc Lan được nhận xét là loài cây có giá trị phong thủy tốt. Nếu trồng trước nhà Mộc Lan có tác dụng thu hút tài lộc và đem may mắn đến cho gia chủ. Ngoài ra, cây Mộc Lan còn thể hiện cho sự quý phái, giàu sang và quyền lực cho gia chủ.
Ý nghĩa trong đời sống: Hoa sở hữu một vẻ đẹp quyến rũ, nồng nàn và thuần khiết nên nó được xem là biểu tượng của tình yêu hạnh phúc, thủy chung son sắt và bền vững. Ngoài ra, loài hoa này còn tượng trưng cho vẻ đẹp và sự dịu dàng, thuần khiết của phái yếu.
Vì Mộc Lan là loài hoa đẹp, mang nhiều ý nghĩa nên thường được sử dụng làm quà tặng. Lúc này bạn cần chú ý đến ý nghĩa của từng màu hoa nhé.
- Mộc Lan trắng: tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, cao thượng của người con gái. Vì ý nghĩa này mà bó hoa cô dâu ở các nước Nam Mỹ thường xuất hiện hoa Mộc Lan trắng.
- Mộc Lan vàng: tượng trưng cho những năng lượng tích cực, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ.
- Mộc Lan tím: đại diện cho sự quyền quý.
- Mộc Lan hồng: biểu tượng cho tình yêu hạnh phúc và bình yên.
- Mộc Lan xanh: tượng trưng cho những điều tốt lành, may mắn.
Hoa Mộc Lan có mấy loại?
Theo màu sắc: hoa có các loại sau:
- Hoa Mộc Lan tím
- Hoa Mộc Lan vàng
- Hoa Mộc Lan đỏ
- Hoa Mộc Lan trắng
- Hoa Mộc Lan xanh
Theo cây giống:
Cây rễ trần: thường là cây giống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây là những cây giống được nhổ lên và cắt bỏ rễ dài, chỉ để lại rễ trần. Với những cây giống này sẽ mất rất nhiều thời gian để phục hồi lại (thường là từ 4 - 7 ngày) do trong thời gian vận chuyển từ 3 - 5 ngày cây bị mất nước nhiều dẫn đến độ sinh trưởng kém và việc sống chết của cây là cực kỳ khó đoán.
Cây đánh bầu: loại cây này cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc về. Tuy nhiên, loại cây đánh bầu này không bị mất nhiều rễ như cây rễ trần nên cây thường khá khỏe mạnh, việc chăm sóc cây cũng đơn giản hơn. Bạn chỉ cần để bầu cây vào chậu, cố định vị trí cho cây, cho thêm đất, tưới nước và bón phân là cây sẽ nhanh phục hồi lại.
Cây thuần chậu: đây là cây giống có nguồn gốc tại nước ta. Cây sinh trưởng khá tốt, chăm sóc đơn giản và thường là cây có hoa trên chậu luôn.
Cách trồng cây hoa Mộc Lan
Đất trồng
Khâu chọn đất trồng với Mộc Lan là rất quan trọng bởi hoa Mộc Lan chịu úng kém nên đất trồng cây phải là loại đất xốp, không bị vón cục, giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, khả năng thoát nước tốt. Loại đất cây Mộc Lan ưa nhất là đất axit nhẹ hoặc trung tính, hơi kiềm hoặc đất sét, đất sét pha cát. Nên tránh loại đất khô cằn hoặc úng ngập.
Bạn cũng có thể sử dụng tro trấu, xơ dừa hoặc xỉ than rải lên lớp đất trên mặt gần gốc để tạo độ thoáng, tránh úng cho cây. Đặc biệt là khu vực trồng cây Mộc Lan không được có cỏ dại vì chúng sẽ cản trở sự phát triển của cây.
Trồng cây hoa Mộc Lan trong chậu
Để có được một chậu Mộc Lan đẹp thì cách trồng ngay từ ban đầu là rất quan trọng.
- Mộc Lan là loại cây có kích thước lá lớn nên sẽ rất nhanh mất nước nếu bạn để cây ở nơi quá nắng nóng. Vì vậy, vị trí để cây nên là nơi có ánh nắng vừa đủ.
- Tùy thuộc vào kích thước cây mà bạn chọn chậu để trồng phù hợp. Tốt nhất là kích thước chậu phải lớn, tầm 1m - 1.7m và có lỗ thoát nước ở dưới đáy chậu nhằm tránh trường hợp cây bị úng nước. Loại đất nên chọn đất tơi xốp, nhiều dinh dưỡng trộn lẫn với phân bò khô hoặc phân gà đã ủ.
- Tiếp đó bạn để cây vào giữa chậu sau khi cắt hết dây bầu của cây hoa Mộc Lan giống nhưng không được làm bể bầu đất. Lấp thêm đất trộn phân bò và xơ dừa trên bề mặt gốc cây nhằm giữ ẩm và làm mát cho cây.
Trồng cây hoa Mộc Lan ra đất
Với cách trồng ra đất thì hơi phức tạp hơn một chút. Nhưng sau đây tôi sẽ hướng dẫn bạn những bước cơ bản để có thể trồng cây Mộc Lan một cách nhanh nhất và cây phát triển tốt nhất.
Chọn vị trí trồng cây: Nên chọn chỗ thoáng, đất tơi xốp, có khả năng thoát nước tốt nhất bởi hoa chịu úng rất kém. Sau đó dọn dẹp khu vực đất trồng cây như cỏ dại hoặc các ổ kiến.
Đào hố trồng cây: Khi đào hố bạn cần chú ý đến kích thước của bầu cây, nên đào hố rộng hơn bầu từ 20 - 30cm để không làm tổn thương rễ và thân cây khi đặt cây xuống hố. Sau đó bạn có thể lót hố bằng 1 lớp đất trộn phân bò khô và xơ dừa.
Vận chuyển cây giống đến nơi trồng: Với những cây hoa Mộc Lan giống nhỏ bạn có thể tự vận chuyển cây. Nhưng với những cây giống kích thước lớn bạn cần phải sử dụng ô tô hoặc xe cẩu vận chuyển để tránh làm tổn thương bầu cây. Sau khi vận chuyển cây đến nơi trồng cần tháo bỏ dây bao bọc quanh bầu cây.
Đặt bầu cây giống xuống hố: Cần phải đặt bầu cây vào giữa hố. Đảm bảo bầu đất không bị va đập và cây được đặt thẳng đứng sao cho cổ rễ ngang tầm mặt đất. Tiếp đó lấp đất đã trộn lẫn với phân hữu cơ vào hố. Khi đất được quá nửa hố thì nén chặt đất và tưới đẫm nước để cây không bị nghiêng. Tiếp tục lấp đất đến khi đầy hố và tiến hành nén đất, tưới đẫm nước như trước.
Cố định cây: Khi trồng cây xong nên cố định cây bằng các cọc tre, gỗ hay sắt. Tác dụng của bước này là có thêm thời gian để rễ cây ăn sâu vào đất. Cách cắm cọc như sau: cắm cọc chéo như kiềng 3 chân quanh thân cây, chiều cao cọc tính từ mặt đất lên vị trí tiếp xúc thân cây cần đạt 1/3 chiều cao của cây.
Tưới nước cho cây: Sau khi trồng cây cần thường xuyên tưới nước cho cây từ gốc đến ngọn để đảm bảo cây luôn xanh tốt. Tuy nhiên không nên tưới quá đẫm bởi hoa Mộc Lan là giống cây chịu úng kém.
Chăm sóc sau khi trồng: Khi mới trồng cây rất yếu nên cần phải chăm sóc kỹ lưỡng để cây sinh trưởng tốt. Cây mới trồng cần tưới nước thường xuyên 2 lần/ 1 ngày để giữ ẩm. Đến khi rễ cây đã phát triển thì trong 3 ngày tưới khoảng 3l nước. Sau 3 tháng, đây là lúc cây trổ lá xanh thẫm, nhiều cành dài 15cm trở lên thì bón phân hữu cơ và NPK 10 - 12 - 10 cho cây. Nên diệt sâu bọ, cắt tỉa lá héo úa, bón phân kích thích ra rễ và nhặt sạch cỏ dại định kỳ mỗi tháng.
Cách chăm sóc cây hoa Mộc Lan
Tưới nước
Khi mới trồng cần phải thường xuyên giữ ẩm cho cây, cắt tỉa các cành lá héo úa để tránh gây bệnh. Lúc này bạn có thể tưới thường xuyên 2 lần/ 1 ngày. Khi cây bắt đầu ra hoa thì nên chú ý lượng nước tưới để hoa luôn mọng cánh và đẹp.
Tuy nhiên, hoa Mộc Lan lại không chịu được tình trạng ngập úng. Vậy nên không tưới quá đẫm mà chỉ tưới vừa phải. Khi trên mặt đất quanh gốc cây se khô thì tưới lượng nước vừa phải. Cần chú ý khi cây rụng lá thì hạn chế việc tưới nước.
Bón phân
Hoa Mộc Lan ưa dinh dưỡng nên bạn có thể bón phân cho cây 2 tháng/ 1 lần. Đặc biệt là sau khi trồng cây được 4 - 5 tháng, đây là thời điểm cây mọc thêm rễ thì nên thêm lượng phân bón. Bạn có thể sử dụng phân hữu cơ hoặc phân NPK với liều lượng % 10 - 12 - 10.
Ánh sáng và nhiệt độ
Mộc Lan ưa ánh sáng vừa phải khoảng 70%. Tránh trồng cây dưới nắng nóng gay gắt vì hoa Mộc Lan ưa mát, chịu nóng kém, chịu lạnh tốt. Khi trời nắng nóng quá thì nên che chắn cho cây để cây không bị cháy lá hoặc khô cành. Nhiệt độ phù hợp để cây sinh trưởng tốt là từ 16 - 28 độ C.
Các bệnh thường gặp
Cây Mộc Lan có độ sinh trưởng tốt, rất khỏe mạnh nên gần như ít bị các sâu bệnh gây hại. Tuy nhiên, nó vẫn có những bệnh thường gặp như:
Rầy: gây bệnh bồ hóng lá làm cây phát triển kém. Khi bị rầy quá nhiều phải sử dụng các loại thuốc như Admire, Confidor, Applaud,….
Côn trùng cắt lá hoa: là loại côn trùng làm hại đến lá non và hoa. Trong giai đoạn cây đang ra lá non cần thường xuyên theo dõi 2 ngày/ 1 lần để phát hiện kịp thời. Nếu cây có dấu hiệu cần phun thuốc trừ sâu nhóm cúc tổng hợp để trừ côn trùng.
Sùng đục thân cây: đây là loại bọ cánh cứng có râu dài thường đẻ trứng quanh gốc cây, các vết thương trên cây hoặc những nơi thân cây già bị bong lớp vỏ. Ấu trùng này sẽ đục thân hoa để ăn có thể khiến cây chết hoặc tạo điều kiện cho nấm xâm nhập. Lúc này để phòng bệnh bạn cần thường xuyên kiểm tra gốc hoa, nhất ở những cây lâu năm có lớp vỏ bong ra. Nếu thấy có lớp trám hoặc dấu hiệu trứng ấu trùng thì dùng dao vạt vỏ, dùng dây kẽm móc ra.
Bệnh rỉ sắt: nguyên nhân là do nấm Puccinia Maydis. Dấu hiệu bị bệnh là những chấm màu vàng nhạt đến vàng trong trên các phiến lá. Khi bệnh phát triển thì phủ kín lá những ổ màu đen tạo thành các vệt đen dài trên phiến lá. Để trị bệnh cần sử dụng các loại thuốc: Dithane, New Kasuran, Kumulus, Anvil, Copper - zin, Cavil, Vectra, Tilvil,…..
Một số thông tin bổ sung
Trên đây là toàn bộ những thông tin và ý nghĩa hoa Mộc Lan trong phong thủy mà Nhà Vườn Ngọc Lâm cung cấp cho bạn. Hy vọng rằng qua bài viết này bạn sẽ có được những thông tin bổ ích nhất về loài hoa kiêu sa, tráng lệ này. Nếu bạn muốn trồng loại cây làm đẹp thêm cho khu vườn nhà mình thì đừng bỏ qua loài hoa này nhé.