Không phải vô cớ mà các loại nấm được nhiều quốc gia mệnh danh là “siêu thực phẩm”. Có một điều đặc biệt là thực phẩm giàu dinh dưỡng này phù hợp với mọi chế độ ăn uống, từ chế độ ăn chay trường hay các chế độ ăn kiêng giảm cân. Nấm không chỉ ngon mà còn bổ nhưng không phải ai cũng có thể ăn nấm. Nếu muốn biết những ai không nên ăn nấm và bạn có thích hợp để ăn nấm không, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!
Thành phần dinh dưỡng của nấm
Nấm không phải tên riêng của một loài thực vật mà là tên chung của một giới thực vật gồm nhiều loài nấm khác nhau. Trên thế giới có vô vàn loại nấm khác nhau, trong đó có loài ăn được, có loài chứa độc.
Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn tới những loại nấm phổ biến được sử dụng làm thực phẩm hoặc dược phẩm như: Mộc nhĩ, nấm hương, nấm rơm, nấm đùi gà, nấm kim châm, nấm mối, nấm linh chi, nấm mỡ, nấm bào ngư, nấm đông trùng hạ thảo…
Nấm là thực phẩm giàu đạm, không có chất béo, ít calo và không có cholesterol. Đạm trong nấm hoàn toàn có thể thay thế đạm động vật. Ngoài ra, nấm còn có thành phần dinh dưỡng vô cùng phong phú gồm:
- Nấm rất giàu vitamin như vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin K, vitamin B. Trong đó, đặc biệt nhất là các vitamin B (B1, B2, B3, B5, B6, B9).
- Nấm có nhiều chất chống oxy hóa mạnh mẽ, điển hình là selen, ergothioneine và glutathione.
- Các khoáng chất thiết yếu với cơ thể cũng có trong nấm dồi dào và phong phú như: Đồng, kẽm, magie, kali, photpho, mangan…
- Nấm cũng là một thực phẩm có hàm lượng chất xơ khá phong phú.
Ăn nấm có tác dụng gì?
Trước khi tìm hiểu những ai không nên ăn nấm, chúng ta sẽ cùng khám phá các lợi ích mà thực phẩm này mang lại nhé! Lợi ích dinh dưỡng của việc ăn nấm bao gồm:
Ngăn ngừa lão hóa: Các chất chống oxy hóa mạnh mẽ trong nấm như vitamin C, ergothioneine và glutathione giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi stress oxy hóa. Từ đó có thể làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Các chất chống oxy hóa của nấm cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như Parkinson và Alzheimer.
Tăng cường sức khỏe não bộ: Vitamin B2 trong nấm cần thiết cho quá trình sản xuất hồng cầu, B3 tốt cho sức khỏe hệ tiêu hóa. Trong khi đó vitamin B5 lại tốt cho hệ thần kinh và quá trình sản xuất các hormone quan trọng…
Bảo vệ tim: Kali trong nấm tốt cho hệ tim mạch, cơ bắp và hệ thần kinh. Hợp chất ribonucleotide glutamate có trong nấm giúp phòng ngừa các bệnh về huyết áp và tim mạch.
Cải thiện tâm trạng của bạn: Nếu ăn nấm thường xuyên, bạn có thể giảm nguy cơ stress, căng thẳng tinh thần mà nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Củng cố xương: Vitamin D có trong nấm giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, phòng ngừa suy giảm mật độ xương, loãng xương.
Hỗ trợ giảm cân: Nấm là thực phẩm giàu chất xơ, beta-glucan và chitin, tạo cảm giác no và kiềm chế cơn đói. Đây là loại thực phẩm hoàn hảo để giảm cân. Đồng thời, nấm có có hàm lượng calorie thấp và chất dinh dưỡng cao. Nếu bạn muốn giảm cân thừa, hãy biến món ăn này thành một phần trong chế độ ăn kiêng thông thường của bạn.
Những ai không nên ăn nấm?
Vì nấm có nhiều lợi ích cho sức khỏe nên chắc chắn ai cũng muốn sử dụng. Nhưng trước khi sử dụng thực phẩm này, bạn nên tìm hiểu những ai không nên ăn nấm:
- Nấm là thực phẩm có tính hàn nên những người đang bị lạnh bụng, khó tiêu, cảm lạnh, thân nhiệt hạ, đường ruột yếu, tiêu chảy tạm thời không nên sử dụng. Khi cơ thể bình thường trở lại, bạn có thể ăn nấm bình thường.
- Không nên ăn nấm trong khi đang uống rượu vì việc này sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc rượu. Ăn nấm cùng rượu dẫn đến sự tích tụ Aldehyde trong máu tăng cao gây triệu chứng buồn nôn, chóng mặt, hoa mắt, đau đầu thậm chí đe dọa đến tính mạng.
- Với nấm đông trùng hạ thảo, một số đối tượng không nên sử dụng như: Trẻ nhỏ, người đang bị sốt, người bị viêm khớp dạng thấp, người máu khó đông hay rối loạn đông máu, phụ nữ mang thai, người sắp hoặc mới phẫu thuật xong.
- Với nấm tai mèo hay mộc nhĩ, người bị loãng máu, đang rối loạn tiêu hóa, mới phẫu thuật, cơ địa dễ dị ứng cũng cần cẩn trọng khi ăn.
- Ai không nên dùng nấm linh chi đỏ? Đó là những người huyết áp thấp, huyết áp cao đang điều trị hoặc người chuẩn bị phẫu thuật, người mới phẫu thuật.
Có rất nhiều loại nấm khác nhau và mỗi loại nấm lại có những lưu ý khác nhau về đối tượng sử dụng và cách sử dụng. Vì vậy, trước khi có ý định ăn loại nấm nào, bạn nên tìm hiểu chi tiết về thành phần dinh dưỡng và đối tượng sử dụng phù hợp
Khi ăn nấm cần lưu ý gì để đảm bảo sức khỏe?
Ngoài việc nên xem xét mình có nên ăn nấm hay không, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau khi thưởng thức các món ngon từ nấm:
- Nấm kỵ với thực phẩm nào? Mỗi loại nấm có thể kỵ với một số thực phẩm nhất định. Nấm tai mèo thường kỵ với củ cải, thịt vịt, ốc. Mộc nhĩ trắng thường kỵ với hải sản. Nấm hương kỵ với trứng vịt, ốc, hải sản, củ cải trắng… Khi chế biến món ăn bạn nên tránh kết hợp các thực phẩm này với nhau.
- Ngộ độc nấm cũng có thể xảy ra nếu bạn ăn phải loài nấm độc không rõ nguồn gốc, nấm tự tìm thấy trong tự nhiên. Việc phân biệt nấm lành và nấm độc không phải đơn giản nên tốt nhất bạn nên mua nấm được nuôi trồng được bán ở các cửa hàng, chợ hay siêu thị. Bất cứ ai trong chúng ta đều không ăn nấm không rõ nguồn gốc.
- Không nên ăn nấm đã có dấu hiệu hỏng, đổi màu, có mùi bất thường. Nấm đã bị vi khuẩn tấn công có thể chứa độc tố dễ gây ngộ độc thực phẩm ngay cả khi đã được nấu chín. Vì vậy, bạn nên chế biến nấm khi mới mua, không nên bảo quản quá lâu trước khi sử dụng. Lúc này, ngay cả khi nấm chưa thối hỏng thì thành phần dinh dưỡng cũng bị giảm đi rất nhiều.
Tóm lại, nấm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao. Từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi, từ người ăn chay hay ăn mặn, từ người ăn kiêng hay ăn đa dạng đều yêu thích các món chế biến từ nấm. Tuy nhiên, có những người nên ăn nấm, có những người lại không. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết được những ai không nên ăn nấm để sử dụng nấm an toàn và hiệu quả.