Thời gian qua, điểm chuẩn ngành Khoa học máy tính (IT1) tại Đại học Bách khoa Hà Nội gây chú ý khi đạt mức 29,42 điểm - cao nhất cả nước. Số điểm này khiến cho 2 thí sinh có tổng điểm 3 môn khối A00 cao nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 trượt nguyện vọng 1.
Độ "hot" của ngành Khoa học máy tính
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Trần Trung Kiên tiết lộ, độ "hot" của ngành Khoa học máy tính là do bản thân thí sinh góp phần tạo nên.
"Cách đây 5 - 6 năm, chúng tôi vận động thí sinh vào học ngành này rất khó. Các em đổ xô vào Kỹ thuật máy tính hay các ngành Công nghệ thông tin khác. Từ năm 2019 trở lại đây có sự đổi chiều nhanh vào Khoa học máy tính. Do chỉ tiêu không nhiều, chỉ khoảng 300 em mỗi năm, nhưng thí sinh đăng ký đông nên điểm chuẩn cao, tạo hiệu ứng" - PGS Kiên chia sẻ.
Sự khác nhau giữa Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính
Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết, ngành Khoa học máy tính trên thế giới đào tạo rất nhiều. Đây là cơ sở, nền tảng của lĩnh vực Công nghệ thông tin, từ đó các em đi vào nhiều các lĩnh vực chuyên sâu khác như dữ liệu, AI…
Theo đó, ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính khác nhau không nhiều. Chủ yếu từ năm 3, 4 có phân hóa sâu về chuyên ngành. Còn các môn đại cương, cốt lõi ngành hầu như giống nhau. Hai ngành chỉ khác nhau về đối tượng áp dụng. Còn các ngành Công nghệ thông tin khác học kiến thức chung, không đào tạo sâu như Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính…
Mức lương cử nhân ngành Khoa học máy tính tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, mức lương tùy thuộc vào từng vị trí. Thông thường, các đơn vị đưa ra mức lương sinh viên ra trường đạt được cao nhất. Có những em chỉ đạt 10 - 15 triệu đồng/tháng nhưng có em đạt được 40 - 50 triệu đồng/tháng, tùy vào đơn vị và trình độ của các em.
Làm việc tại công ty nước ngoài, các em có thể thỏa thuận về lương nếu có nền tảng tốt kiến thức và ngoại ngữ. Với xuất phát điểm ban đầu tốt ở nhà trường, các em trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ thì lương của các em khá ổn và phát triển.