Những câu ca dao tục ngữ về tôn sư trọng đạo theo suốt chúng ta trong quá trình trưởng thành. Ngay từ khi chưa ngồi trên ghế nhà trường, ta đã được ba mẹ dạy dỗ phải biết hiếu học và kính trọng thầy cô bằng câu tục ngữ ‘Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy’.
Khi đã đủ tuổi cắp sách đến trường, ta lại được học thêm nhiều ca dao tục ngữ tôn sư trọng đạo khác. Để khi vào đời, nhờ những lời dạy từ ca dao tục ngữ, ta biết hành xử đúng nhân, lễ, nghĩa.
Tôn sư trọng đạo - truyền thống quý báu của dân tộc ta
Đời người có tám cái ơn không được phép quên. Song, vĩ đại nhất là ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cao cả nhất là ơn cứu mạng khi gặp khó khăn và quý giá nhất là ơn dạy dỗ của những người thầy. Vì lẽ đó, ca dao tục ngữ về tôn sư trọng đạo ra đời, như một lời răn dạy về cái ơn quý giá của nhân sinh, nhắc nhở mỗi chúng ta về sứ mệnh học tập.
“Tôn sư trọng đạo” là một thành ngữ phản ánh truyền thống từ ngàn đời nay của dân tộc Việt Nam. Trong đó, “sư” được hiểu là thầy và “đạo” là học, là kiến thức thầy truyền giảng. Theo quan niệm đó, câu thành ngữ với ý nghĩa đề cao vai trò của người thầy, thể hiện sự tôn kính trước học vấn và đức độ của thầy giáo. Đồng thời bày tỏ quan điểm nêu cao việc học, xem trọng kiến thức của nhân dân ta.
Những điều trên không chỉ là đạo đức lẽ thường mà còn xuất phát từ thực tế. Bởi vì phẩm chất và tư duy của một người tốt hay xấu, ít nhiều được ảnh hưởng từ người thầy. Một người thầy tốt sẽ đào tạo ra nhiều thế hệ học sinh xuất sắc. Không chỉ vậy, người thầy dù là trong học tập hay công việc, nếu như ta được chỉ dạy tận tình, con đường của ta sẽ thuận lợi, thành công hơn. Công ơn của thầy cô mỗi người nhất định phải ghi nhớ và “Kết cỏ ngậm vành”.
Những câu thành ngữ, tục ngữ tôn sư trọng đạo
Trong hành trình chinh phục kiến thức, thầy cô chính là những người gieo trồng những hạt giống đầu tiên trên mảnh đất tri thức của mỗi người. Sự yêu thương và trân trọng dành cho những người làm nghề “gõ đầu trẻ” đã đi vào những câu thành ngữ, tục ngữ về tôn sư trọng đạo. Hãy cùng điểm qua những câu tục ngữ, thành ngữ tôn sư trọng đạo cùng ý nghĩa sâu sắc dưới đây.
1. Học thầy học bạn, vô vạn phong lưu
Ý nghĩa: Câu tục ngữ khuyên về cách học. Học từ thầy và học từ bạn sẽ giúp thành công, giàu sang sung sướng cả đời.
2. Tiên học lễ, hậu học văn
Ý nghĩa: Đầu tiên, con người cần phải học các lễ nghĩa, rèn luyện nhân cách cá nhân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, mở rộng vốn hiểu biết để trở thành người có ích.
3.Nhất tự vi sư, bán tự vi sư
Ý nghĩa: “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Răn dạy ta cần tôn trọng thầy, cô giáo dù họ có dạy ta trong thời gian lâu hay ít, truyền dạy cho chúng ta biển kiến thức hay chỉ là “một con chữ bẻ đôi”.
4. Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa
Ý nghĩa: Câu tục ngữ với nội dung đề cao tình cảm và trân trọng ân nghĩa trong cuộc sống. Ý nghĩa khuyên nhủ, dạy chúng ta không nên quên tình cảm trước sau, người dạy bảo ta một chữ cũng đáng kính trọng, cũng đáng được gọi là thầy. Người gặp gỡ, gần gũi ta dù chỉ một ngày cũng nặng tình nghĩa (ý chỉ tình cảm bạn bè, vợ chồng).
5. Kính thầy mới được làm thầy
Ý nghĩa: Khuyên ta phải biết kính trọng người dạy dỗ mình mới bảo ban được người khác, mới được người khác tôn trọng.
6. Không thầy đố mày làm nên
Ý nghĩa: Bàn về chuyện không có người thầy thì không thể nên người được, thông qua đó nghĩa rộng hơn là muốn nói về vai trò của người thầy, về tinh thần tôn sư trọng đạo vàlòng biết ơnđối với người thầy của mình.
7. Dốt nát tìm thầy, bóng bẩy tìm thợ
Ý nghĩa: Khuyên dạy chúng ta muốn hiểu biết nhiều, có trình độ kỹ thuật cao cần chịu khó học hỏi người tài giỏi chuyên môn hơn mình. Cụ thể, muốn hết dốt phải tìm thầy mà học, muốn có hàng hoá, sản phẩm chất lượng cao phải nhờ thợ giỏi.
8. Học thầy không tày học bạn
Ý nghĩa: Câu nói không phải có mục đích bác bỏ ý kiến học từ thầy cô. Nó đề cao việc học ở nhiều nguồn, nhiều nơi khác không chỉ là bạn bè và thầy cô.
9. Một kho vàng không bằng một nang chữ
Ý nghĩa: Đề cao học vấn, tri thức quý giá hơn vàng bạc. Có chữ nghĩa và kiến thức trong đầu, con người có thể tạo ra vàng bạc để sống sung túc. Mặt khác, vàng là hữu hạn đến một lúc nào đó sẽ hết.
10. Một gánh sách không bằng một giáo viên giỏi
Ý nghĩa: Câu tục ngữ đề cao vai trò của người thầy trong giáo dục. Người thầy có thể truyền dạy cho học sinh những kiến thức có trong sách nhưng sách không thể nào truyền đạt những kinh nghiệm và lẽ sống cho học sinh.
11. Muốn biết phải hỏi, muốn giỏi phải học
Ý nghĩa: Câu tục ngữ thể hiện tinh thần ham học hỏi của người Việt. Việc học hỏi thêm nhiều thứ sẽ giúp ta thêm hiểu biết và trưởng thành.
12. Ông bảy mươi học ông bảy mốt
Ý nghĩa: Câu nói cho thấy tinh thần ham học và sự khiêm tốn học hỏi người hơn mình.
13. Người không học như ngọc không mài
Ý nghĩa: Từ việc so sánh người và ngọc, việc học với việc mài ngọc, câu tục ngữ nhấn mạnh quá trình học tập thường gian nan và cực nhọc nhưng thành quả đổi lại thì rất xứng đáng.
14. Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy
Ý nghĩa: Câu tục ngữ nói về một phong tục xưa: học trò lễ thăm thầy vào mùng ba Tết trong khi mùng một cúng gia tiên tại nhà.
15. Bố mẹ dạy không bằng thầy dạy, thầy dạy không bằng suy nghĩ
Ý nghĩa: Câu tục ngữ bàn về cách học. Khi đối mặt với những điều mới, trước khi được thầy cô dạy thì nên động não suy nghĩ trước.
16. Con học, thóc vay
Ý nghĩa: Thành ngữ với ý nghĩa cho con đi học thì phải chịu tốn kém và chịu ơn lớn. Ở đây chỉ thầy dạy học của con và người cho vay thóc là người có công cưu mang và dạy dỗ.
Xem thêm: 70 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về thầy cô giáo hay nhất dạt dào ý nghĩa công ơn trồng người Chùm thơ lục bát 4 câu về cuộc sống, thầy cô, quê hương, gia đình... đầy ý nghĩa 30 tục ngữ thành ngữ nói về sự may mắn trong cuộc sống
Những câu ca dao tôn sư trọng đạo
Bên cạnh những câu tục ngữ về tôn sư trọng đạo ngắn gọn và dễ hiểu, chúng ta cũng không thể bỏ qua thông điệp được gửi gắm trong những bài ca dao về tôn sư trọng đạo. Đọc không chỉ để thấm nhuần thêm đạo lý này mà còn để ghi nhớ lời dạy của người đi trước.
1. Dốt kia thì phải cậy thầy
Vụng kia cậy bạn (thợ) thì mày mới nên.
2. Mấy ai là kẻ không thầy
Thế gian thường nói: đố mày làm nên!
Từ xưa, tầm quan trọng của người thầy luôn được đánh giá cao và thậm chí là ở vị trí quan trọng “tuyệt đối” với con đường học vấn của mỗi người. Những câu ca dao về tôn sư trọng đạo này vừa là lời khuyên, vừa là một lời khẳng định công ơn của thầy cô trong việc tu dưỡng, rèn luyện, hình thành và phát triển phẩm chất, giá trị của học sinh.
3. Cơm cha, áo mẹ, công thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao.
4. Con ơi ghi nhớ lời này
Công cha, nghĩa mẹ, công thầy chớ quên.
5. Cơm cha áo mẹ chữ thầy
Gắng công mà học có ngày thành danh.
6. Vua, thầy, cha, ấy ba ngôi
Kính thờ như một, trẻ ơi ghi lòng.
7. Mẹ cha công đức sinh thành
Ra trường thầy dạy học hành cho hay.
8. Mồng một thì đi tết cha
Mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy.
9. Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.
Những câu ca dao tôn sư trọng đạo với từ ngữ mượt mà, những vần điệu trầm bổng dễ đi vào lòng người cùng những bài học giáo dục về đạo lý, nhân cách sống. Nếu như cha cho “cơm”, mẹ cho “áo” thì thầy cho “chữ”. Những câu ca dao về tôn sư trọng đạo trên đã ví công lao của người thầy cũng lớn lao như công dưỡng dục của cha mẹ.
10. Dạy con từ thuở tiểu sinh
Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi
Học cho "cách vật trí tri"
Văn chương chữ nghĩa nghề gì cũng thông.
11. Ở đây gần bạn gần thầy
Có công mài sắt có ngày nên kim.
12. Sự đời phải nghĩ mà răn
Phải nuốt lời bạn phải ăn lời thầy.
13. Con hơn cha là nhà có phúc
Trò hơn thầy là đất nước yên vui.
Không chỉ bàn đến truyền thống kính trọng người thầy, ca dao tục ngữ về tôn sư trọng đạo còn hướng chúng ta đến các phương pháp học hiệu quả. Trong đó, ca dao răn dạy cha mẹ nên dạy con từ thuở nhỏ, học tập lễ nghi trước. Sau đó khi được đến trường, ta học từ thầy cô và còn học ở bạn bè. Chìa khóa của sự thành công nằm ở sự kiên trì và cố gắng, để một ngày con hơn cha và trò hơn thầy.
Xem thêm: 58 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về tôn trọng sự thật 23 câu ca dao tục ngữ thành ngữ về ý chí nghị lực giúp rèn luyện 50 câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ về liêm khiết, thanh liêm
14. Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai.
15. Mười năm rèn luyện sách đèn
Công danh gặp bước, chớ quên ơn thầy.
16. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa.
17. Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm đò ngang không chèo
Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy.
18. Chữ thầy trong cõi người ta
Dặm dài hoa nắng trời xa biển đầy.
19. Đến đây viếng cảnh viếng thầy
Không say mùi đạo cũng khuây mùi trần.
20. Tạ ơn thầy đã dẫn con vào rừng trí thức
Cảm nghĩa cô đã dắt trò đến biển yêu thương.
21. Ơn thầy soi lối mở đường
Cho con vững bước dặm trường tương lai
Tháng năm dầu dãi nắng mưa
Con đò trí thức thầy đưa bao người
Qua sông gửi lại nụ cười
Tình yêu xin tặng người thầy kính thương
Con đò mộc , mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày.
Ca dao tục ngữ về tôn sư trọng đạo là những lời hay ý đẹp mà ông cha xưa để lại cho chúng ta. Thầy là người cao hơn ta một bậc về tri thức, về tư cách, về tầm nhìn. Vậy nên không có thầy, chúng ta khó có cơ hội trau dồi, tiến bộ mọi mặt để lớn lên “thành người” và “thành tài”. Những câu ca dao và tục ngữ trên đã nhắc nhở ta hiểu hơn về công lao của cô thầy, đồng thời nhận ra tầm quan trọng của việc học.
Sưu tầm
Nguồn ảnh: Internet