1. Cho bé ăn váng sữa có tốt không?
Váng sữa có thành phần dinh dưỡng bao gồm: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất như kẽm, sắt, kali, canxi, natri. Trong đó, hàm lượng chất béo chiếm tỷ lệ cao nhất (từ 50% đến 80%), tiếp theo là chất bột đường (khoảng 40%), chất đạm chỉ có 6% - 7% và vitamin - khoáng chất có hàm lượng thấp nhất.
Nhìn chung, váng sữa được đánh giá là tốt đối với bé thiếu cân, suy dinh dưỡng hoặc mới ốm dậy vì hỗ trợ cung cấp năng lượng dồi dào. Tuy nhiên, để phát huy công dụng vốn có của váng sữa thì phụ huynh nên bổ sung đúng cách, đúng thời điểm và phù hợp với từng đối tượng.
>>Xem thêm: Trẻ mấy tháng ăn được váng sữa và cách sử dụng cho hiệu quả?
2. Có nên cho bé ăn váng sữa hàng ngày không?
Nhiều phụ huynh cho bé ăn váng sữa mỗi ngày, tuy nhiên điều này có thật sự tốt không? Trên thực tế, váng sữa không thích hợp để bổ sung hàng ngày vì hàm lượng chất béo cao, khiến bé dễ bị đầy bụng, tiêu chảy hoặc béo phì (nếu ăn quá nhiều).
Đồng thời, do “nghèo” vi chất nên váng sữa không thể đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Vì thế, đây chỉ nên là bữa ăn phụ thay đổi trong các bữa phụ, để đa dạng bữa ăn của con. Không nhất định ngày nào cũng cho bé ăn và thay thế sữa. Đặc biệt là khi bổ sung váng sữa, bố mẹ cần lưu ý về độ tuổi phát triển của con, cụ thể:
- Từ 6 - 12 tháng tuổi: Bé nên ăn váng sữa từ 20g đến 55g/ngày.
- Từ 1 - 2 tuổi: Bé nên ăn váng sữa từ 55g đến 70g/ngày.
- Từ 2 tuổi trở lên: Bé nên ăn váng sữa từ 55g đến 110g/ngày.
Ngoài ra, bố mẹ cần lưu ý về thời điểm sử dụng. Không cho bé ăn váng sữa buổi tối vì điều này gây ra chướng bụng, khiến bé khó ngủ, quấy khóc vào ban đêm. Thay vào đó, hãy cho bé ăn váng sữa vào buổi sáng hoặc buổi trưa (sau bữa ăn chính 1 đến 2 giờ), để thực phẩm được phát huy công dụng.
Đối với bé dị ứng sữa bò, tiêu chảy hoặc thừa cân - béo phì, cần xem xét không cho con ăn váng sữa để tránh tình trạng trở nên nghiêm trọng.
3. Một số câu hỏi thường gặp khi cho bé ăn váng sữa
Ngoài thắc mắc có nên cho bé ăn váng sữa hàng ngày không, nhiều phụ huynh còn có câu hỏi như:
3.1. Có nên trộn váng sữa với các loại thực phẩm khác?
Ngoại trừ trái cây, phụ huynh không nên trộn váng sữa với thực phẩm khác vì điều này gây ra hiện tượng kết tủa, khiến bé dễ bị đầy bụng và khó tiêu.
3.2. Bảo quản váng sữa như thế nào cho đúng?
Váng sữa dễ bị hỏng nên phải được bảo quản trong tủ lạnh thường xuyên. Tuy nhiên, cần lưu ý không bảo quản ở vị trí cánh tủ vì nơi đây nhiệt độ không ổn định, có thể ảnh hưởng đến chất lượng váng sữa.
Nhìn chung, váng sữa là thực phẩm giàu chất béo, có thể gây ra thừa cân - béo phì nếu bé ăn nhiều; đồng thời, do hàm lượng vi chất quá thấp nên váng sữa chỉ dùng cho bữa ăn phụ, không nên bổ sung mỗi ngày hoặc thay thế cho sữa mẹ.