Một cái bánh trung thu với kích thước nhỏ nhưng lại chứa lượng calo khá lớn. Vậy cụ thể 1 cái bánh trung thu bao nhiêu calo? Những ai không nên ăn loại bánh này? Cách ăn loại bánh này thế nào để sức khỏe vẫn đảm bảo an toàn? Cùng theo dõi bài viết sau để giải đáp được những thắc mắc này nhé!
1 cái bánh trung thu bao nhiêu calo?
Bánh trung thu được tạo ra từ các nguồn nguyên liệu khác nhau nhưng thành phần chính vẫn là tinh bột. Vì thế, đây là loại thực phẩm cung cấp nhiều năng lượng cho chúng ta. Thông thường, bánh trung thu sẽ có khoảng 143,2 calo trong 100g bánh.
Hiện nay trên thị trường có nhiều bánh trung thu với hương vị và mẫu mã phong phú, nhưng nhìn chung, sẽ có hai loại chính là bánh trung thu nướng và bánh trung thu dẻo. Vậy 1 cái bánh trung thu bao nhiêu calo còn tùy thuộc vào từng loại bánh như sau:
- Bánh trung thu nướng dạng thập cẩm loại 170g sẽ có khoảng 566 calo;
- Bánh trung thu nướng nhân hạt sen, đậu xanh loại 200g sẽ có khoảng 355 calo;
- Bánh trung thu dẻo nhân thập cẩm loại 200g sẽ có khoảng 824 calo;
- Bánh trung thu dẻo nhân đậu xanh loại 176g có khoảng 648 calo.
Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người trưởng thành trung bình nạp vào cơ thể 2000 calo một ngày. Tuy nhiên, theo thông tin về lượng calo của một cái bánh trung thu đã cung cấp ở trên, bạn chỉ cần ăn 2 cái bánh trung thu cùng lúc đã cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể trong một ngày. Việc ăn thêm bánh trung thu hoặc các thực phẩm khác có thể gây tình trạng thừa calo.
Ai không nên ăn bánh trung thu?
Bánh trung thu là món ăn yêu thích của nhiều người. Tuy nhiên, theo thông tin “1 cái bánh trung thu bao nhiêu calo” được chia sẻ ở trên, một số đối tượng được khuyến cáo không nên tiêu thụ loại bánh này để tránh những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, bao gồm:
Người mắc bệnh đái tháo đường
Bệnh nhân tiểu đường là đối tượng cần kiểm soát các loại thực phẩm gây tăng lượng đường trong bữa ăn hàng ngày. Bánh trung thu lại là loại bánh chứa hàm lượng đường cao. Vì thế, khi ăn quá nhiều sẽ làm đường trong máu tăng cao, đồng thời lượng chất béo cũng được hấp thu vào cơ thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nếu người tiểu đường muốn ăn bánh trung thu nên giảm lượng tinh bột trong những bữa ăn còn lại để cân bằng dinh dưỡng trong một ngày.
Người có sỏi mật
Người mắc sỏi mật hay túi mật khi tiêu thụ một lượng lớn bánh trung thu có thể sẽ gây tình trạng viêm tụy cấp tính, diễn biến xấu có thể gây tử vong trong một thời gian ngắn. Vì thế, đối tượng này cần hạn chế tối đa việc ăn bánh trung thu hoặc tốt nhất là không ăn để đảm bảo sức khỏe được an toàn.
Người bị mụn trứng cá, viêm da
Người đang mắc tình trạng mụn trứng cá hay thường xuyên bị viêm da hoặc các vấn đề khác về da cũng không nên tiêu thụ quá nhiều bánh trung thu. Bởi thành phần chất béo trong loại bánh này có thể làm tăng tiết bã nhờn, khiến cho những bệnh lý về da càng thêm trầm trọng hơn.
Người có thân nhiệt cao
Những người có cơ thể nóng không nên tiêu thụ quá nhiều lượng bánh trung thu vì có thể gây tình trạng khó tiêu, đồng thời có thể gây nội hỏa tăng cao, dẫn đến táo bón, sưng lợi, nổi mụn,...
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều bánh trung thu bởi hàm lượng cholesterol có trong loại bánh này ngoài việc gây ảnh hưởng xấu đến bệnh lý tim mạch, tiểu đường, tăng lipid máu còn có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Ăn bánh trung thu đúng cách để không bị béo
Bánh trung thu là thực phẩm chứa nhiều calo, vì thế khi dùng loại bánh này, bạn cần phải biết cách ăn đúng để giúp cơ thể không bị béo như sau:
Ăn kèm thực phẩm khác
Bạn có thể ăn bánh trung thu cùng các loại thực phẩm khác để hạn chế việc cơ thể hấp thụ chất béo. Nên ăn bánh trung thu khi uống trà, vì trà chứa nhiều chất giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, giảm được lượng mỡ tích tụ trong cơ thể. Đồng thời các chất chống oxy hóa có trong trà sẽ giúp kích thích thần kinh, tăng cường quá trình đốt cháy chất béo. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn bưởi sau khi dùng bánh trung thu bởi bưởi mang tính thanh nhiệt, chứa nhiều vitamin A và vitamin C, từ đó giảm cân hiệu quả đồng thời giúp cơ thể tiêu hao lượng calo nạp vào khi dùng bánh trung thu.
Không nên ăn bánh trung thu khi bụng đang đói
Khi cơ thể chúng ta đói sẽ tiếp thu một lượng thức ăn gấp đôi so với mức bình thường. Nếu như ăn bánh trung thu vào lúc này sẽ khiến bạn ăn nhiều, gây thừa calo cho cơ thể. Vì thế, trước khi thưởng thức bánh trung thu, hãy ăn một ít thực phẩm khác để lót dạ trước nhé.
Không ăn bánh trung thu khi cơ thể cảm thấy mệt mỏi
Khi cơ thể chúng ta đang ở trạng thái mệt mỏi, việc bổ sung thực phẩm ngọt như bánh trung thu trong lúc này sẽ làm bạn mất đi một lượng lớn vitamin B (loại vitamin giúp cơ thể chuyển hóa đường thành năng lượng, từ đó giảm sự mệt mỏi). Vì thế, nếu ăn bánh trung thu vào lúc lượng vitamin B giảm sẽ khiến cơ thể bạn càng mệt mỏi và uể oải hơn.
Hạn chế ăn bánh trung thu vào ban đêm
Cơ thể chúng ta sẽ ít hoạt động vào buổi tối, đặc biệt là sau 19 giờ. Vì thế, khi ăn bánh trung thu vào buổi tối sẽ cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng dư thừa, lâu dần sẽ tích tụ và tăng cân. Do đó, tốt nhất bạn nên tiêu thụ loại bánh này vào buổi sáng hoặc buổi trưa nhé.
Chia thành từng miếng bánh nhỏ
Cùng một lúc ăn quá nhiều bánh trung thu sẽ làm cho lượng đường trong máu tăng cao, khiến cơ thể không có thời gian tiêu hao năng lượng. Nếu việc này lặp lại thường xuyên sẽ khiến bạn tăng cân.
Tập thể dục
Để tránh việc bổ sung thừa năng lượng cho cơ thể khi ăn bánh trung thu, bạn nên tập thể dục như đi bộ, chạy bộ, hít đất, bơi lội,... để đốt cháy lượng calo và giữ cho bản thân thân hình gọn gàng.
Bài viết trên đã giúp bạn biết được 1 cái bánh trung thu bao nhiêu calo. Bên cạnh đó, bài viết cũng đã chia sẻ đến bạn những đối tượng cần hạn chế ăn bánh trung thu và những bí quyết ăn bánh trung thu nhưng vẫn đảm bảo được tính an toàn cho sức khỏe. Hy vọng bài viết giúp bạn có thêm một kiến thức mới để giúp thực phẩm mà bạn lựa chọn vừa dinh dưỡng vừa an toàn nhé!
Xem thêm: Ngủ tốn bao nhiêu calo? Cách đốt cháy calo khi ngủ