Hiện tượng khô miệng khi mang thai không phải là vấn đề quá xa lạ. Đa phần là do sự thay đổi nội tiết tố quá nhanh trong thời gian này khiến cơ thể thường xuyên mất nước và gây ra hiện tượng khát nước khi mang thai. Tuy nhiên, còn một số nguyên nhân khác gây nên vấn đề này mà bạn nên chú ý.
Mang thai là khoảng thời gian mà bạn sẽ trải qua rất nhiều các cung bậc cảm xúc từ vui vẻ, hy vọng đến lo lắng, hoảng sợ. Khi mang thai, bạn sẽ phải trải qua rất nhiều triệu chứng khó chịu như đau nhức cơ thể, mệt mỏi, chuột rút, mất ngủ, buồn nôn… Trong số các triệu chứng đó, khô miệng là vấn đề mà nhiều phụ nữ mang thai gặp phải. Những chia sẻ sau của Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu thêm về vấn đề này đấy.
Hiện tượng khô miệng trong thai kỳ
Khô miệng trong thai kỳ là tình trạng mà khoang miệng và cổ họng có cảm giác khô rát, khó chịu. Tình trạng này thường xảy ra trong 3 tháng đầu của thai kỳ và thường khiến bạn cảm thấy khó chịu hơn vào ban đêm. Khô miệng sẽ khiến bà bầu bị khô môi và kèm thêm là một số những triệu chứng khác như: nghẹt mũi, đau đầu, khó tiêu, nứt môi…
Khô miệng trong thai kỳ có thể dẫn đến hậu quả gì?
Ngoài các triệu chứng trên, đôi khi, khô miệng còn gây ra những vấn đề khác như lưỡi trở thành màu trắng nhạt sau khi thức dậy. Nguyên nhân là do trong tam cá nguyệt đầu tiên, bạn bị mất nước do nôn mửa và đi tiểu nhiều. Ngoài cảm giác không thoải mái, khô miệng còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Nước bọt có tác dụng loại bỏ các mảnh vụn thức ăn còn xót lại trên răng sau khi ăn, đồng thời giúp hạn chế vi khuẩn có hại phát triển. Do đó, khô miệng có thể gây ra các đề về răng và nướu như viêm nướu, mảng bám và sâu răng.
Nguyên nhân khiến bà bầu bị khô miệng
Hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều gặp phải vấn đề này và triệu chứng đi kèm thường gặp nhất là hơi thở có mùi. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng này như:
1. Thuốc
Một số loại thuốc có thể khiến bạn bị khô miệng khi mang thai như thuốc chống trầm cảm, thuốc giãn phế quản, thuốc lợi tiểu… Dù các triệu chứng này có thể khiến bạn khó chịu nhưng đừng ngưng dùng thuốc trừ khi bác sĩ yêu cầu.
2. Mất nước
Mỗi ngày dù bạn đã uống 8 ly nước nhưng bạn vẫn thấy khó chịu. Điều này là hoàn toàn bình thường bởi nhu cầu hấp thu của cơ thể đang tăng cao do cơ thể phải làm việc cật lực để tạo ra một bé cưng khỏe mạnh.
3. Tăng khối lượng máu
Lượng máu trong cơ thể sẽ tăng lên trong thời gian mang thai. Điều này khiến thận phải làm việc nhiều hơn, số lần đi tiểu của bạn cũng sẽ tăng, nên dễ dẫn đến mất nước và khô miệng.
4. Tăng tỷ lệ trao đổi chất
Các hoạt động của tế bào như sản xuất năng lượng, tiêu hóa thức ăn… sẽ tăng lên khi bạn mang thai. Vì vậy, cơ thể hấp thu nhiều nước hơn và bạn cần bổ sung nước thường xuyên.
Hiện tượng khô miệng có thể gây nguy hiểm cho bạn và bé không?
Bạn không nên bỏ qua vấn đề này bởi nó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải một số bệnh nguy hiểm như:
1. Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng khô miệng. Điều này có thể là do lượng đường huyết tăng, khiến lượng nước trong cơ thể giảm. Ngoài khô miệng, khát nước khi mang thai và triệu chứng khác như đau rát trong miệng, nứt môi…
2. Thiếu máu
Khô miệng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh thiếu máu. Ngoài khô miệng, thiếu máu còn có các triệu chứng khác như khô cổ, nứt môi, lưỡi đau rát.
3. Tăng huyết áp
Nếu hiện tượng khô miệng đi kèm với một cơn đau đầu dữ dội thì đó có thể là dấu hiệu cho thấy huyết áp của bạn tăng cao.
Bí quyết để đối phó với chứng khô miệng khi mang thai
Khô miệng không phải là bệnh, nên không có biện pháp y tế cụ thể để điều trị. Tốt nhất, bạn nên tìm nguyên nhân gây ra tình trạng này và có cách giải quyết phù hợp. Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì thì bạn nên uống ít nhất 2 - 3 lít nước mỗi ngày để tránh bị mất nước.
Dưới đây là một số bí quyết mà bạn có thể thử để “đánh bay” triệu chứng khó chịu này:
- Uống nước thường xuyên ngay cả khi không thấy khát. Bạn cũng có thể ngậm những viên đá nhỏ để giúp miệng luôn ẩm ướt.
- Cố gắng thở bằng mũi ngay cả khi đang ngủ để ngăn nước bốc hơi từ miệng khiến bà bầu bị khô môi.
- Đừng uống rượu hoặc cà phê khi mang thai bởi những loại thức uống này không chỉ gây mất nước mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Không hút thuốc khi mang thai bởi hút thuốc khiến cổ họng bạn trở nên khô rát hơn.
- Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ nếu bạn sống ở các khu vực có độ ẩm thấp.
- Nhai kẹo cao su (tốt nhất là không đường) vì hoạt động nhai kích thích sản xuất nước bọt.
- Chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe răng miệng. Chải răng và dùng chỉ nha khoa vào buổi sáng, tối và sau mỗi bữa ăn.
- Uống nước dừa bởi nước dừa chứa rất nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin và khoáng chất.
- Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng với đầy đủ rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và thịt nạc.
- Tránh dùng nhiều muối vì nó có thể khiến cơ thể mất nước.
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Hiện tượng khô miệng không phải là vấn đề nguy hiểm và có thể được kiểm soát khá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu bạn bị khô miệng đi kèm với các triệu chứng như nhức đầu, có cảm giác nóng rát trong khoang miệng, mệt mỏi cực độ, tiêu chảy, buồn nôn… thì hãy đến bác sĩ khám ngay.
Mang thai làm thay đổi nột tiết tố của cơ thể và hiện tượng khô miệng là một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất khi cơ thể bạn thay đổi quá nhanh. Tuy nhiên, mặc dù khô miệng không phải là vấn đề lớn nhưng nó có thể là dấu hiệu của nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Hãy ghi lại tất cả những thay đổi mà cơ thể bạn trải qua trong thai kỳ. Điều này sẽ giúp bạn sớm phát hiện ra những vấn đề bất thường để có biện pháp can thiệp kịp thời.
[embed-health-tool-due-date]