Chính vì vậy, việc tìm hiểu thông tin của một ngành, một business domain nào đó một cách nhanh chóng, dù chưa có kinh nghiệm trước đó, trở thành một kỹ năng cần thiết của các thành viên dự án công nghệ. Để tìm hiểu về một business domain một cách đầy đủ và có hệ thống, việc áp dụng các mô hình là điều cần thiết, có thể kể đến: Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter , Mô hình Pest và Mô hình SWOT.
Mô hình 5 lực lượng cạnh tranh của Porter
Xuất hiện lần đầu tiên trên Harvard Business Review 1979, Mô hình 5 Lực lượng cạnh tranh của Porter, được phát triển bởi nhà hoạch định chiến lược hàng đầu thế giới Michael Porter, cho rằng bất kì ngành nghề nào cũng chịu tác động bởi 5 yếu tố chính:
- Đối thủ cạnh tranh trong ngành: Nếu ngành có số lượng đối thủ cạnh tranh lớn, nhà cung cấp hay khách hàng sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, việc chiếm ưu thế thị trường của doanh nghiệp cũng khó hơn. Nếu số lượng đối thủ cạnh tranh giảm, đương nhiên doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế trong việc tiết kiệm chi phí sản xuất, cũng như đạt được lợi nhuận cao hơn với khách hàng.
- Tiềm năng của các doanh nghiệp mới tham gia vào ngành: Nếu ngành ít có rào cản để gia nhập, số lượng doanh nghiệp tham gia tăng, từ đó thị trường sẽ ngày càng cạnh tranh, các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ưu thế trên thị trường. Hơn nữa, xu thế của thị trường liên tục thay đổi, kể cả những doanh nghiệp đã có ưu thế, nếu không có những điều chỉnh năng lực phù hợp cũng dễ mất đi thế mạnh của mình.
- Sức mạnh nhà cung cấp: Nhà cung cấp đóng vai trò lớn trong việc kiểm soát chi phí sản phẩm. Nếu số lượng nhà cung cấp trên thị trường ít, họ dễ dàng nâng cao chi phí nguyên liệu đầu vào, buộc chi phí sản xuất tăng.
- Sức mạnh khách hàng: Khách hàng ở đây có thể hiểu là người dùng cuối, nhà bán lẻ hay nhà phân phối. Tuy nhiên, dù sức mua ở mỗi đối tượng là khác nhau, nhưng nếu trên thị trường tồn tại quá nhiều sản phẩm trong cùng một phân khúc, một ngành hàng
- Nguy cơ bị các sản phẩm, dịch vụ khác thay thế: Đây là các sản phẩm có khả năng thoả mãn nhu cầu của người dùng tương đương các sản phẩm hiện có. Tuy nhiên, bên cạnh giá trị hữu dụng vốn có, các doanh nghiệp còn tạo thêm các giá trị cảm xúc, giá trị tăng thêm để tạo lợi thế cạnh tranh so với các sản phẩm khác trên thị trường.
Mô hình PEST trong business domain
Nếu mô hình của Porter đi sâu phân tích các yếu tố tác động đến doanh nghiệp, thì mô hình PEST khái quát thách thức và cơ hội của toàn bộ ngành hàng mà doanh nghiệp đang tham gia. Được phát triển bởi Giáo sư đại học Harvard Francis Aguilar, mô hình này phân tích các yếu tố Chính trị (Politics) - Kinh tế (Economics) - Văn hoá xã hội (Socio-culture) - Công nghệ (Technology).
Chính trị:
Doanh nghiệp hoạt động trong một đất nước với thể chế chính trị ổn định sẽ có môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi nước sẽ có sự ưu tiên cho các ngành nghề khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến các chính sách về thuế, đầu tư, thương mại…cũng sẽ có sự khác biệt.
Kinh tế:
Trình độ phát triển kinh tế cao sẽ giúp doanh nghiệp phát triển, đồng thời, các yếu tố về lạm phát cũng cần được quan tâm, nếu lạm phát gia tăng, nhu cầu lương của người lao động và chi phí sản xuất cũng từ đó tăng theo, tạo nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư.
Văn hoá - xã hội:
Khía cạnh này đi sâu phân tích các vấn đề về dân số, ngôn ngữ, cơ cấu độ tuổi, nhân khẩu học…từ đó đưa ra bức tranh chung về thị trường lao động của doanh nghiệp cũng như hình mẫu khách hàng mà doanh nghiệp hướng tới.
Công nghệ:
Sự tiến bộ của kỹ thuật - công nghệ sẽ có sự tác động lên năng lực sản xuất và trình độ lao động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nếu đất nước có công nghệ tiên tiến, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong quá trình chuyển đổi số cho các hoạt động vận hành và kinh doanh.
Mô hình này còn có nhiều biến thể có thể tham khảo để hiểu thêm về business domain như:
- PESTLE / PESTEL: Chính trị, Kinh tế, Xã hội-Văn hoá, Công nghệ, Pháp lý, Môi trường
- PESTLIED: Chính trị, Kinh tế, Xã hội-Văn hoá, Công nghệ, Pháp lý, Quốc tế, Môi trường, Nhân khẩu học
- STEEPLE: Xã hội/Nhân khẩu học, Công nghệ, Kinh tế, Môi trường, Chính trị, Pháp lý, Đạo đức
Mô hình SWOT xác định busniness domain
Một mô hình phổ biến nữa được áp dụng để hiểu về business domain là SWOT, với các thành phần Strength (Thế mạnh) - Weakness (Điểm yếu) - Opportunity (Cơ hội) - Threat (Rủi ro). Được phát triển bởi Albert Humphrey vào những năm 1960 - 1970, ban đầu mô hình phân tích này có tên gọi SOFT: Satisfactory (Thỏa mãn) - Opportunity (Cơ hội) - Fault (Lỗi) - Threat (Nguy cơ). Tuy nhiên, yếu tố F sau này được đổi thành W (Weakness) và SWOT ra đời từ đó.
Điểm mạnh:
Đây là những sản phẩm, dịch vụ có đặc điểm nổi bật mà doanh nghiệp sở hữu so với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành.
-
- Doanh nghiệp có sản phẩm/ dịch vụ gì nổi bật so với các đối thủ cạnh tranh trong ngành?
- Cách tổ chức các hoạt động vận hành và kinh doanh có gì mang lại hiệu quả vượt trội?
- Doanh nghiệp sở hữu những tài nguyên nào mà đối thủ thì không
Điểm yếu:
Bên cạnh phát huy các thế mạnh, các điểm yếu của doanh nghiệp cũng cần được xác định và tìm phương pháp khắc phục.
-
- Điểm nào trong hệ thống vận hành của doanh nghiệp chưa được tối ưu hoá?
- Sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp có gì khiến khách hàng chưa hài lòng?
- Do đâu các sản phẩm của doanh nghiệp chưa mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng?
Cơ hội:
Đây là thời điểm mà doanh nghiệp có thể tận dụng để nâng cao quy mô sản xuất, sở hữu nguồn tài nguyên chất lượng cao, tiếp cận được tệp khách hàng lớn hơn để sử dụng sản phẩm/ dịch vụ của mình. Các cơ hội điển hình có thể kể đến:
-
- Các thay đổi trong chính sách của chính phủ
- Các sự kiện trong nước/ quốc tế
- Xu hướng của khách hàng
Rủi ro:
Rủi ro của doanh nghiệp có thể đến từ yếu tố bên ngoài như sự thay đổi trong các chính sách của chính phủ hay sự xuất hiện của các đối thủ cạnh tranh, và cũng có thể đến từ nội tại doanh nghiệp, như tình trạng bất ổn định của nhân sự, hay năng lực doanh nghiệp không bắt kịp với sự thay đổi trong xu thế thụ hưởng sản phẩm/ dịch vụ.
Kết luận:
Với những người có background thuần về công nghệ, việc tiếp cận business domain mới sẽ hơi choáng ngợp. Vì vậy, việc bám sát các mô hình trên sẽ giúp cho các thành viên trong dự án có kiến thức tổng quát, hệ thống về từng business domain, trước khi tiến hành tư vấn và xây dựng sản phẩm cho khách hàng. #đây là cách là series cung cấp kiến thức cô đọng, trực quan về quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm và xu hướng công nghệ. Ngoài bài viết trên về cách hiểu một business domain, bạn có thể nhấp vào đây để xem thêm những bài viết của Techie thuộc series #đây là cách