Ngày Rằm tháng Giêng sắp đến, cũng là ngày rằm đầu tiên trong năm, nhiều gia đình theo đạo Phật cúng và ăn chay cầu nguyện, giải hạn cho cả năm. Trong mâm cúng chay đầu năm này không thể thiếu được các loại xôi chè, bạn có thể tham khảo ngay 5 cách nấu xôi chè khác nhau, đơn giản lại dễ làm cúng Rằm tháng Giêng nhé!
1. Xôi chè dân dã
Xôi chè là một món kết hợp vừa xôi vừa chè dân dã, không cần tốn quá nhiều thời gian cho món này. Các mẹ có thể dư sức nấu xong món này và lo các món cúng cho ngày Rằm khác. Quan trọng trong cách nấu xôi chè này bạn phải tạo ra độ đặc dẻo vừa đúng cho món, vị dẻo dai của gạo nếp lại có chút ít bùi bùi của đậu xanh hòa quyện vào nhau tạo nên món xôi chè vô cùng hấp dẫn và đẹp mắt.
Nguyên liệu làm Xôi chè dân dã
- 300g Gạo nếp
- 170g Đậu xanh không vỏ
- 1 muỗng canh Dầu ăn
- 1g Muối
- 2 muỗng canh Bột năng
- 100g Đường trắng
Hướng dẫn làm Xôi chè dân dã
- Gạo nếp vo sạch sẽ rồi ngâm nước qua đêm cho gạo nở mềm, đỗ xanh vo sạch rồi ngâm nước 2-4 tiếng sau đó đổ ra cho ráo nước. Bạn lấy 1/3 số lượng đỗ xanh đã hấp chín để riêng ra đĩa, 2/3 số lượng đỗ còn lại cho vào cối giã nhuyễn hoặc cho vào máy xay nhuyễn.
- Bạn lấy 1/2 số lượng đỗ vừa xay cho vào gạo nếp và trộn đều rồi cho vào xửng hấp tới khi gạo nếp chín mềm, đổ xôi ra mâm rồi cho nốt phần đậu xanh xay nhuyễn vào, dùng tay xoa đều cho các hạt xôi tơi ra và xôi được bám đều 1 lớp đỗ xanh bên ngoài, vậy là xong phần xôi.
- Cho lượng nước vừa đủ vào nồi, thêm đường rồi khuấy tan, bật bếp nấu cho sôi, trong lúc chờ nước chè sôi, bạn cho bột năng vào 1 cái bát rồi thêm chút nước khuấy đều nước bột năng.
- Khi nước chè sôi, bạn chế từ từ nước bột năng vào, vừa chế vừa khuấy nhanh để đáy nồi không bị vón cục nhé, bạn có thể điều chỉnh cho chè có độ đặc như ý là được.
- Nấu cho chè sôi, nước chè trở nên trong vắt mới cho đậu xanh hấp chín nguyên hạt để riêng khi nãy vào, khuấy đều là tắt bếp, vậy là xong phần chè. Khi ăn múc chè ra bát sau đó múc xôi đã hấp chín lên trên và thưởng thức.
>> Xem thêm: Cách làm Xôi chè dân dã
2. Xôi gấc cốt dừa
Ngày Rằm mà thiếu xôi gấc là không được rồi, đặc biệt lại còn là xôi gấc cốt dừa nữa chứ. Bên cạnh màu sắc đẹp mắt của xôi gấc cốt dừa thì đây cũng là loại xôi rất ngon với những hạt xôi nở dẻo ngon của nếp, béo thơm của nước cốt dừa khiến món xôi trở nên hoàn hảo hơn. Chỉ với vài mẹo nhỏ làm xôi gấc bạn đã có ngay món xôi cúng hoàn chỉnh cho ngày Rằm rồi đấy!
Nguyên liệu làm Xôi gấc cốt dừa
- 2 chén Gạo nếp
- 150g Gấc
- 70g Đường trắng
- 1/4 muỗng cà phê Muối
- 1 muỗng canh Dầu ăn
- 1 muỗng canh Rượu trắng
- 100ml Nước cốt dừa
Hướng dẫn làm Xôi gấc cốt dừa
- Gạo nếp vo sạch ngâm với nước ấm ít nhất 4 tiếng hay qua đêm. Gấc cho vào chén cùng với dầu và rượu dầm nhuyễn, lược qua rây cho mịn.Gạo nếp sau khi ngâm, đổ ra rổ xả qua nước lạnh.
- Cho nếp vào xửng hay rổ hấp, trộn gấc đã lược nhuyễn vào cùng muối, mang bao tay trộn đều. Nấu 1 nồi nước sôi, cho xửng nếp vào hấp 10 phút.
- Qua 10 phút cho 1/2 nước cốt dừa vào trộn đều và hấp tiếp 5-7 phút. Tiếp tục cho nước dừa còn lại vào trộn đều hấp 5 phút. Cuối cùng cho đường vào xới chung hấp 7-8 phút nữa là tắt bếp.
- Xôi gấc cốt dừa cho vào khuôn ấn mạnh, úp ra đĩa. Xôi gấc cốt dừa với những hạt xôi nở dẻo ngon của nếp, béo thơm của nước cốt dừa và đặc biệt là hương và màu gấc đặc trưng khiến món xôi thêm bắt mắt và ngon miệng.
>> Xem thêm: Cách làmXôi gấc cốt dừa
3. Chè trôi nước ngũ sắc
Chè trôi nước là một trong những món chè không thể thiếu trong mâm cúng ngày Rằm, đặc biệt hơn hết còn là chè ngũ sắc sặc sỡ. Món chè trôi nước mềm tan ngay khi bạn cắn vào miệng, có nhân đậu xanh thơm bùi lại có thêm nước đường nâu có gừng thơm phưng phức, lại chan thêm nước cốt dừa là hoàn hảo luôn. Bạn có thể thêm ít đậu phộng rang giã nhỏ rắc ăn vô cùng ngon
Nguyên liệu làm Chè trôi nước ngũ sắc
Phần nhân
- 200g Đậu xanh không vỏ
- 50g Dừa nạo
- 30g Hành phi
- 100g Sữa đặc
- 30ml Dầu ăn
Phần vỏ
- 700g Bột nếp
- 100g Khoai lang tím
- 65g Gấc
- 30g Bột trà xanh
- 100ml Sữa tươi không đường
- 75g Sữa đặc
- 75g Đường trắng
Phần nước đường
- 300g Đường thốt nốt
- 2 củ Gừng
Phần nước cốt dừa
- 150ml Nước cốt dừa
- 1/2 muỗng cà phê Bột năng
- 20g Mè trắng rang sẵn
Hướng dẫn làm Chè trôi nước ngũ sắc
- Đậu xanh vo sạch, ngâm với nước 30 phút cho mềm. Vớt đậu ra cho vào nồi, đổ nước săm sắp mặt rồi đem luộc khoảng 12-15 phút đến khi đậu chín là được. Dùng muỗng tán nhuyễn đậu xanh rồi trộn đều với hành phi, dừa nạo và sữa đặc.
- Cho lên chảo dầu ăn, đổ đậu xanh vào xào với lửa vừa đến khi thấy nhân khô hơn, không còn dính chảo thì nhắc xuống. Chờ đậu nguội bớt thì đem vo thành những viên tròn nhỏ. Bọc lại để nhân qua 1 bên.
- Cho bột nếp vào thố, để riêng bột khô phòng trường hợp khi bột nhão sẽ thêm vào. Chuẩn bị sẵn nước ấm, đổ từ từ nước ấm vào bột, dùng tay nhào sao cho bột tạo thành một khối dẻo mịn. Nếu như khối bột quá ướt thì thêm bột khô vào nhồi thêm nhé. Thêm vào sữa đặc cùng với đường trắng, nhào mịn.
- Tạo màu cho vỏ chè trôi nước: màu đỏ lấy từ ruột gấc, màu cam lấy từ ruột gấc pha với sữa tươi không đường, màu xanh lấy từ bột trà xanh pha với sữa tươi không đường, màu tím lấy từ khoai lang tím luộc chín, và màu trắng tự nhiên.
- Chia khối bột ra thành 5 tô có các cục nhỏ bằng nhau, thêm màu vào từng tô rồi nhào cho màu lên đều. Những màu tạo ra từ nước như màu xanh và cam có thể sẽ hơi nhão nên bạn cứ cho thêm bột khô vào nhàu đến khi cục bột mịn, không còn nhão và dính tay là được. Vo tròn từng cục bột, ấn dẹt mỏng rồi cho nhân đậu xanh vào chính giữa gói lại. Làm lần lượt từng màu cho đến hết.
- Thấm vào tay một lớp mỏng dầu ăn rồi vo từng viên chè, làm như vậy để tạo cho viên chè trôi nước độ bóng đẹp sau khi luộc và hạn chế các viên chè dính vào nhau. Bắc nồi nước sôi rồi cho riêng từng màu vào luộc đến khi chín, nổi lên thì vớt ra, cho ngay vào tô nước lạnh.
- Nấu nước đường: cho vào nồi 1.2 lít nước cùng với 400gr đường thốt nốt, nấu đến khi đường tan nước sôi thì cho vào gừng cắt sợi. Cho tiếp những viên chè trôi nước vào nấu khoảng 10 phút để chè thấm đường.
Khi ăn bạn múc chè ra chén cùng với nước đường, rưới thêm nước cốt dừa và một ít mè rang là có thể dùng được rồi.
>> Xem thêm: Cách làm Chè trôi nước ngũ sắc
4. Xôi vị
Xôi vị là một loại xôi không chỉ xuất hiện trong những bữa tiệc lễ cúng mà nó còn là một món ăn vặt béo thơm, đặc biệt là ăn không ngán chút nào luôn. Thay vì các loại xôi quen thuộc bạn có thể làm món xôi vị cho ngày cúng Rằm này, đơn giản lại dễ chế biến, lại có màu tím mướt đẹp mắt khiến cho mâm cúng Rằm tháng Giêng trở nên hài hòa hơn.
Nguyên liệu làm Xôi vị
- 500g Gạo nếp
- 300g Đậu xanh không vỏ
- 100g Lá cẩm
- 200g Lá dứa
- 20g Mè trắng
- 550ml Nước cốt dừa
- 120g Đường trắng
- 4g Hoa hồi
- 150g Đường trắng
- 20ml Rượu trắng
- 1/2 muỗng cà phê Bột tai vị
Hướng dẫn làm Xôi vị
- Lá cẩm rửa sạch, đem nấu với nước lọc, nghiền cho ra ra màu. Xay lá dứa với ít nước, lọc lấy nước cốt lá dứa. Hoa hồi giã nát, cho vào 2 túi lọc. Nếp vo sạch, đem ngâm một nửa chỗ nếp với nước lá cẩm, một nửa với nước cốt lá dứa, túi lọc hoa hồi trong khoảng 2-3 giờ (có thể thêm nước lọc cho ngập nếp). Sau đó, vớt ra để ráo nước.
- Làm nhân đậu xanh: Trong thời gian chờ hấp xôi, các bạn cho 300gr đậu xanh đã háp chín vào chảo, thêm 150ml nước cốt dừa và 50gr đường vào sên lửa nhỏ vừa trong khoảng 10 phút; đến khi đậu xanh tạo thành một khối mịn, không dính chảo.
- Làm xôi vị màu tím: Sau khi hấp chín xôi lá cẩm, các bạn cho xôi vào chảo, thêm 200ml nước cốt dừa, 50gr đường và 2gr bột tai vị (bột hoa hồi). Liên tục đảo đều xôi đến khi xôi khô ráo và dẻo, tạo thành một khối không dính chảo. Để hỗn hợp nguội trong 5 phút (Nên dùng chảo chống dính hoặc chảo có đáy dày để dễ xào xôi hơn).
- Làm xôi vị màu xanh: Tương tự như lớp màu tím. Xào xôi lá dứa cùng 200ml nước cốt dừa, 50gr đường và 2gr bột hoa hồi. Khi xôi đạt độ dẻo, khô ráo thì tắt bếp, để nguội 5 phút. Các bạn mua bột hoa hồi (bột tai vị) ở chợ nhé, hoặc xay mịn hoa hồi thành dạng bột.
- Tạo hình xôi: Lót lá chuối vào khuôn, quét một lớp mỏng dầu ăn chống dính. Rắc 20gr mè rang lên mặt lá chuối. Cho lớp xôi màu tím vào, dàn đều xôi và nén chặt vào khuôn. Tiếp tục làm tương tự lớp đậu xanh ở giữa, và cuối cùng là lớp xôi lá dứa màu xanh.
- Lấy xôi ra khỏi khuôn và cắt thành hình theo ý muốn là các bạn có ngay dĩa xôi vị ba màu xinh xắn rồi. Hương thơm từ hoa hồi và nước cốt dừa hòa quyện cùng vị béo ngon ngọt bùi tạo nên món xôi vị đậm vị truyền thống, hấp dẫn.
- Để xôi được cắt dễ dàng, nên để xôi tạo hình trong khuôn ít nhất 30 phút và quét 1 lớp mỏng dầu ăn vào dao nhé.
>> Xem thêm: Cách làmXôi vị
5. Xôi bắp lá dứa
Tiếp theo chính là một loại xôi không những trở thành món xôi chè cúng mà còn là món ăn sáng thú vị. Món xôi bắp lá dứa thơm lừng có hạt bắp dẻo thơm, xôi lá dứa mềm quyện, có thêm chút đậu phộng giòn kèm theo chắc chắn khiến ai cũng thích. Món xôi bắp lá dứa có màu xanh lá cây từ lá dứa bắt mắt cộng với hương lá dứa, mùi bắp thơm nồng quyến rũ, nghe là thấy dễ làm và thèm rồi phải không các mẹ?
Nguyên liệu làm Xôi bắp lá dứa
- 2 trái Bắp nếp
- 500g Gạo nếp
- 100g Lá dứa
- 200g Đậu phộng
- 2g Muối
- 200g Đường trắng
Hướng dẫn làm Xôi bắp lá dứa
- Lá dứa rửa sạch, cắt khúc rồi cho vào máy sinh tố xay cùng với nước, lọc lấy nước cốt lá dứa. Gạo nếp vo sạch để ráo, cho vào nước cốt lá dứa ngâm khoảng 2 giờ, để nếp mềm và có màu xanh lá dứa.
- Bắp nếp lột vỏ, tách hạt để riêng. Gạo nếp sau khi ngâm xong thì vớt ra rổ để ráo nước rồi trộn với hạt bắp và tí muối.
- Cho gạo nếp trộn hạt bắp vào xửng đem hấp chín. Khi hấp xôi khoảng 20 phút thì mở nắp vung, xới xôi đều lên rồi hấp thêm 10 phút nữa là được.
Cho xôi ra đĩa cho đậu phộng rang giã nhuyễn lên trên và thưởng thức thôi.
>> Xem thêm: Cách làmXôi bắp lá dứa
- 3 cách nấu xôi ngọt bằng nồi cơm điện mà vẫn thơm ngon dẻo đúng điệu như nấu chõ
- 3 cách nấu chè đậu đỏ ngon không cần chỉnh đúng chuẩn ngoài hàng ai cũng có thể làm được
- 3 Cách Ướp Thịt Ba Chỉ Nướng thơm mềm đậm vị mà không lo bị cháy