Mỹ là điểm đến du học phổ biến của sinh viên quốc tế vì hệ thống giáo dục linh hoạt, cuộc sống sôi động, chất lượng giáo dục tốt, sự đa dạng văn hóa và nhiều cơ hội việc làm.
Mỗi năm có hơn một triệu học sinh, sinh viên nước ngoài tới Mỹ du học. Mỹ nổi tiếng có nhiều trường đại học hàng đầu thế giới nhưng chi phí học tập và sinh hoạt ở Mỹ đối với sinh viên quốc tế là khá cao.
Chi phí sinh hoạt của sinh viên tại Mỹ bao gồm chi phí ăn ở, đi lại, sách giáo khoa, quần áo, giải trí... Chi phí sinh hoạt ước tính ở Mỹ là khoảng 10.000-18.000 USD mỗi năm (tương đương 248-447 triệu đồng). Như vậy, mỗi người trung bình tiêu tốn khoảng 1.000-1.500 USD mỗi tháng (tương đương 24,8-37,3 triệu đồng).
Chi phí sinh hoạt tại Mỹ cho sinh viên nước ngoài phụ thuộc vào khu vực mà họ sinh sống. Ví dụ, nếu sinh viên sống ở các thành phố lớn như New York, Boston hoặc San Francisco thì chi phí sinh hoạt sẽ cao hơn nhiều so với các nơi như Seattle, Texas, New Orleans...
Tìm nơi ở là việc quan trọng đầu tiên cho các sinh viên nước ngoài khi tới Mỹ. Du học sinh phải lên kế hoạch tốt cho việc này vì tìm được chỗ ở phù hợp với giá thuê rẻ không hề dễ dàng. Giá thuê nhà tại Mỹ khá cao nhưng sẽ rẻ hơn nhiều nếu bạn sống cùng với một vài sinh viên khác.
Sống trong khuôn viên trường giúp du học sinh tiết kiệm chi phí ăn uống còn ăn uống bên ngoài sẽ rất đắt đỏ. Khi sống tại Mỹ, sinh viên nên làm thẻ khách hàng thân thiết tại các cửa hàng tạp hóa và siêu thị, điều này sẽ giúp bạn được giảm giá hoặc nhận được hàng khuyến mãi khi đi mua sắm.
Để tiết kiệm chi phí, sinh viên cần lập danh sách những đồ cần mua trước khi đi siêu thị, lập kế hoạch ăn uống và mua sắm các mặt hàng phù hợp tại đúng địa điểm. Thỉnh thoảng bạn có thể đi ăn nhà hàng nhưng ăn trong khuôn viên trường hoặc tự nấu nướng là cách tốt nhất để cắt giảm chi phí.
Chi phí sinh hoạt tại Mỹ có thể tăng khoảng 6-9% mỗi năm do lạm phát và các yếu tố bên ngoài. Theo thống kê, tỷ lệ lạm phát hàng năm ở Mỹ (trong giáo dục đại học) là 8%. Vì thế, mỗi sinh viên khi đi du học Mỹ cần chuẩn bị thêm khoảng 2.000 USD (50 triệu đồng) dự phòng cho các chi phí sinh hoạt phát sinh trong năm.
Các chi phí sinh hoạt phát sinh có thể là: Vé máy bay khi đi lại trong thời gian cao điểm, mua đồ nội thất, thuê xe hơi, các chi phí y tế không được bảo hiểm y tế chi trả, ví dụ như: Chăm sóc răng miệng, khám mắt, điều trị thẩm mỹ, tiền ăn ở cho những tháng hè nếu bạn ở lại Mỹ, đi chơi cuối tuần...