VHO - Thắng cảnh cổng đá Tò Vò nằm ở phía Tây đảo Lớn, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được mệnh danh là kiệt tác của hoá công, mang vẻ đẹp hài hòa của đá, biển và trời.
Cổng đá Tò Vò
Gọi là “cổng” nhưng thực ra đây là một cầu đá tự nhiên, có chiều dài gần 8m, chiều cao phụ thuộc mực nước thủy triều, nhưng thường ở khoảng 5-6m (so với mặt cầu phía trên), 2,5m-3,5m (so với mặt cầu phía dưới) khi thủy triều xuống. Từ quan sát thực địa và dựa vào so sánh địa tầng, các nhà địa chất cho biết, cách nay hơn 1 triệu năm (vào thế Pleistocen), núi lửa Giếng Tiền có một đợt phun trào rất mạnh, gọi là phun nổ. Dòng dung nham thoát ra theo miệng núi lửa đã phủ lên các trầm tích có tuổi cổ hơn (vào giai đoạn Mio cen muộn), cách nay khoảng 5,5 - 6 triệu năm. Đợt vận động phun trào núi lửa này là nguyên nhân chính hình thành cảnh quan ngoạn mục chung quanh khu vực núi Giếng Tiền và phía Tây đảo Lớn. Tại vùng biển cổng Tò Vò, dòng dung nham chảy vào khối nước biển đang chuyển động, bị dòng nước làm ngưng kết, tiếp theo là quá trình sạt lở và xói mòn những phần có kết cấu yếu của khối nham thạch, hình thành kiểu cầu Cổng đá Tò Vò đá tự nhiên như ta thấy hiện nay. Cổng Tò Vò đẹp và nổi tiếng vì hình dạng độc đáo, sừng sững giữa một khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng. Từng khối đá rắn rỏi, góc cạnh nhưng khi gắn kết với nhau lại hình thành một cổng đá có nhịp điệu tạo hình mềm mại, uyển chuyển và có thể phô diễn vẻ đẹp ở mọi giác độ không gian, cũng như bất cứ thời điểm nào trong ngày, kể cả vào những đêm trăng sáng hay lúc bầu trời ngan ngát ánh sao. Sáng tinh mơ, mặt trời từ từ ló dạng, nắng đầu ngày như bàn tay của nữ thần Rạng Đông xòe lên phía trời cao đùa với những cánh chim hải âu lượn giữa thinh không. Vào giữa trưa, bóng cầu lồng bóng nước; sóng khoả chập chờn; vụt tan, vụt hiện; như có, như không. Khi hoàng hôn buông xuống, từ bãi đá, nhìn xuyên qua vòm cổng, thấp thoáng những con thuyền đánh cá của ngư dân chầm chậm quay về bến nghỉ đêm trong tiếng rì rào của sóng gió khơi xa. Nhưng kỳ thú là khi trèo lên nóc cổng đá trời. Nhìn về phía Đông là làng chài như bức tranh sơn thuỷ nhấp nhô sóng nước. Chếch sang phía Bắc là vách núi Giếng Tiền với cheo leo chùa Đục. Xa xa là đảo Bé, thấp thoáng những bóng dừa, nổi lên một hòn Đụn như muốn nhắc rằng ở đó là cù lao Bờ Bãi, là đảo Bé An Bình đẹp tựa một bài thơ. Xa hơn nữa, trực chỉ hướng tây, là đất liền, cố hương của các dòng tộc ra mở đảo, có mũi Tổng Binh gợi nhớ câu ca dân gian khắc khoải lòng người: Trời trong ngó thấy Tổng Binh
Hỏi người bạn cũ nhớ mình hay chăng? Giữa thiên địa mang mang, bất chợt muốn bấm bàn chân nhỏ bé của con người xuống khối nham thạch đã lụi tắt từ ngàn xưa để rồi ngước mắt nhìn lên thăm thẳm cao xanh mà nhận ra những chớp sáng từ xa xăm vũ trụ. Phải chăng cái vòm đá đang choàng vòng tay vào biển có thể cùng ta giữ lấy bản thể nhi nhiên giữa dòng thời gian vô thuỷ, vô chung? Người phương Đông tin rằng mọi hiện hữu trên đời này đều có một tồn tại đối xứng. Có ngày thì có đêm. Có sao Hôm nên có sao Mai (sau này khoa học mới chỉ ra rằng, sao Hôm và sao Mai chỉ là một, chính là sao Kim). Có ánh sáng chơi vơi trên đỉnh núi thì cũng có bóng tối chập choạng dưới chân cầu. Nhưng với cổng đá Tò Vò, hiện hữu đối xứng ấy thật bất ngờ. Bên này, đảo Lớn, có cổng Tò Vò nhô lên cao, phơi mình cùng tuế nguyệt, thì bên kia, ở đảo Bé An Bình cũng có một cổng Tò Vò ngâm mình đáy nước. Cũng từ phun trào núi lửa, cũng đông kết dung nham. Nhưng bây giờ là đầu mùa Xuân, đến Lý Sơn bạn hãy dành thời gian mà ngắm nhìn bức tranh phong cảnh diệu kỳ của cổng Tò Vò, chiếc cầu đá thiên nhiên giữa đất trời đảo Lớn. Đợi đến tiết Xuân phân, khi nước biển trở nên ấm áp, một chuyến lặn biển để ngắm san hô muôn vàn sắc màu biến ảo, để nhìn cổng Tò Vò lung linh trong nước biển ở cù lao Bờ Bãi (một tên khác của đảo Bé) sẽ thú vị vô cùng. Thăm thú cổng đá Tò Vò là trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến Lý Sơn. Đây không chỉ là điểm du lịch thu hút bởi vẻ đẹp tự nhiên mà còn mang đến cho du khách cơ hội tìm hiểu về cấu tạo địa chất, lịch sử kiến tạo đi cùng với những bí ẩn kỳ diệu ẩn giấu hàng triệu năm trong từng mạch đá.
LÊ HỒNG KHÁNH