Hình ảnh được Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chia sẻ cho thấy Trái Đất chụp bởi tàu vũ trụ Lucy ở khoảng cách 620.000 km. Bức ảnh được ghi nhận trong quá trình tàu vũ trụ thực hiện sứ mệnh thăm dò các thiên thể Trojan của Mộc tinh.
Theo NASA, bức ảnh trắng đen được Lucy chụp vào ngày 15/10, cho thấy Trái Đất lọt thỏm giữa không gian đen thẳm.
Phía trên bên trái hình ảnh là vị trí vùng Hadar thuộc Ethiopia. Đây là nơi tìm thấy Lucy, hóa thạch loài người cổ nhất từng được phát hiện với 3,2 triệu năm tuổi. Đó cũng là tên tàu vũ trụ cho sứ mệnh của NASA.
NASA cũng chia sẻ bức ảnh thứ 2 chụp vào ngày 13/10, cho thấy Trái Đất và Mặt Trăng khi Lucy ở khoảng cách 1,4 triệu km. Cả 2 trông giống vật thể nhỏ bé khi nằm đối diện giữa không gian vũ trụ. Mặt Trăng là chấm nhỏ bên trái, trong khi Trái Đất nằm bên phải với kích thước lớn hơn.
Theo CNET, những bức ảnh Trái Đất được chụp bởi camera theo dõi đầu cuối (T2CAM) của Lucy trong lúc hiệu chỉnh để thử nghiệm chất lượng ảnh, chuẩn bị phục vụ sứ mệnh thăm dò các tiểu hành tinh Trojan.
Đây cũng là thời điểm quan trọng của Lucy khi tàu vũ trụ hướng về Trái Đất lần đầu để nhận trợ lực hấp dẫn (gravity assist), quá trình sử dụng trọng lực của hành tinh để thay đổi hướng và tăng vận tốc.
Theo NASA, giai đoạn này giúp tàu vũ trụ đạt tốc độ cần thiết để tiếp cận tiểu hành tinh Trojan, những thiên thể nhỏ quay quanh Mặt Trời, cùng khoảng cách với Mộc tinh.
Lucy được phóng từ cuối năm 2021 với sứ mệnh dự kiến kéo dài 12 năm. Theo NASA, việc nghiên cứu hóa thạch trên tiểu hành tinh có thể giúp các nhà khoa học nghiên cứu sự hình thành của Hệ Mặt Trời.