Con trâu, cái cày, ruộng mạ xanh mướt cò bay thẳng cánh và những ụ rơm nằm dọc hai bên đường cạnh mấy túp lều tranh xinh xắn là một vài hình ảnh quen thuộc của quê hương Việt Nam mà tôi đã từng được thấy ở vùng nông thôn. Gần gũi hơn là cái chuồng heo ngay bên hông nhà với một chú heo mập mạp ủn ỉn suốt ngày gục đầu vào máng hoặc là đàn vịt quạc quạc đòi ăn, đàn gà bươi đất tìm sâu trong vườn và sáng sáng tiếng gà gáy ò ó o chào gọi bình minh…
Ở xứ Hoa Kỳ này thì khó thấy được những hình ảnh đó nhất là nơi tôi đang sinh sống, vì vậy nếu có dịp thì tại sao không thử tìm lại một chút hình ảnh quê hương chứ? Ý nghĩ này luôn luôn ngự trị trong tôi. Một ngày đẹp trời, có người quen mang tặng tôi 3 chú gà con mới nở được hơn tháng. Chị có nông trại chuyên nuôi gà, vì trong nghề nên chị biết chắc trong 3 đứa có 1 trống và 2 mái. Thành phố nơi tôi đang ở đâu có cho nuôi gà, gà mái cũng không được chớ nói chi tới gà trống ò ó o mỗi sáng sớm là một điều phiền phức cho cả xóm, người Mỹ gọi là nuisance. Nhưng nhìn mấy em gà nho nhỏ xinh xinh ai mà cầm lòng cho đậu, vả lại 3 đứa đều giống nhau làm sao phân biệt trống mái ở cái tuổi này đuợc, tôi nghĩ thế và hy vọng chị bạn đoán sai, biết đâu cả 3 đều là mái, vì vậy tôi bấm bụng liều nhận nuôi luôn cả ba. Thế là một cái chuồng đơn giản nhưng chắc chắn được dựng lên ở một góc vườn. Tôi còn mua lưới rào cho tụi nó một khoảng đất khá rộng sát cái chuồng để tha hồ tung tăng chạy nhảy. Và đặt tên cho chú gà trống là thằng Tồ, hai bé gà mái là Rô Ti và Cà Ri. Từ đó tôi lại có homework để làm, cứ những lúc rảnh rỗi là leo vào Net tìm đọc những bài viết về gà, cách nuôi gà, bệnh tình của gà v.v… và còn tham gia vào mấy “câu lạc bộ gà vườn”, dĩ nhiên là trên Net thôi, như backyard chickens forum hoặc là pet chickens forum… Mấy forum này mở ra để những người nuôi gà amateur cũng như chuyên nghiệp bàn tán chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà với nhau. Học hỏi thêm đuợc một vài điều mới lạ tăng chút ít kiến thức cũng hay hay.
Nhớ hồi còn ở Việt Nam, nhà ngoại tôi cũng có nuôi một đàn gà trong đó có một con gà mái quậy phá hết chỗ nói, ngày nào cũng nhảy tuốt lên bàn thờ bươi lư hương mà ai bắt cũng không được, nó bay nhảy lánh né thật tài tình thế mà dường như tôi có duyên với nó, mỗi lần tôi đến gần là nó oằn lưng xuống cụp hai cánh đợi tôi bắt lên. Ở xứ mình nuôi gà là để phục vụ cái bao tử của loài người, hoặc ăn trứng hoặc ăn thịt. Và con gà mái này cũng không được ngoại lệ. Một ngày nọ dì tôi sanh em bé, gặp thời buổi khó khăn, thiếu thốn dinh dưỡng nên con gà bị vào nồi nước sôi. Tôi đã buồn hết mấy ngày.
Tồ, Ti và Ri ăn nhiều chóng lớn. Suốt ngày chíp chíp đòi ăn mỗi khi thấy tôi. Nhìn tụi nó bươi bươi bới bới tìm thức ăn hoặc làm thành những cái ổ gà để tắm đất hoặc phơi nắng thật là dễ thương, nhất là những lúc tụi nó bu lại mổ mổ mấy hột nút áo hoặc mấy ngón chân của tôi tưởng là mấy hạt bắp hạt đậu. Thấm thoát tụi nó đã được 6 tháng, là tuổi trưởng thành, tuổi bắt đầu biết gáy và đẻ trứng.
Một buổi sáng nọ trời còn tờ mờ chưa sáng hẳn, hình như chỉ mới 5 giờ sáng, bỗng đâu… gà gọi bình minh… Ò Ó O O…… Ò Ó O…… Tôi giật bắn mình, định thần lắng tai nghe xem là âm thanh gì. Đúng rồi, là thằng Tồ gáy. Nó đang ở tuổi dậy thì, mới biết gáy nên tiếng gáy ồ ồ nghe thật buồn cười. Tôi tung mền và phóng như bay ra vườn, hy vọng mở cửa chuồng cho nó ra ngoài ăn sáng tìm sâu bọ thì nó hết gáy để khỏi làm phiền hàng xóm. Hồi hộp chờ đợi… thằng Tồ nhảy ra khỏi chuồng, chạy tới dĩa đồ ăn mổ mổ đớp đớp… chờ một hồi không nghe ảnh gáy nữa tôi yên chí vào nhà, nghĩ bụng “Thôi cũng được, mi gáy một tiếng vào buổi sáng như vậy cũng ok, thức má mi dậy sớm để má bỏ thói hư thức khuya dậy trễ, mở cửa chuồng cho mi ra thì sẽ yên ổn thôi”. Bởi lâu nay tôi vẫn đinh ninh gà trống chỉ gáy vào buổi sáng sớm mà thôi. Tôi lầm to! Ba tiếng đồng hồ sau tức khoảng đâu 8 giờ sáng, tiếng ồ ồ của thằng Tồ lại cất lên. Tôi hoảng hồn chạy vụt ra vườn, thấy thằng Tồ đang đứng trên nóc chuồng gà nhướng cổ lên cao gáy good morning cả xóm. Chưa xong đâu, tới trưa thằng Tồ lại gáy một hồi nữa nhắc nhở giờ cơm trưa. “Eo ui Tồ ơi kiểu này thì mi không thể ở lại đây nữa rồi”. Số là thành phố tôi cư ngụ thỉnh thoảng có mấy ông bà cảnh sát đã về hưu, ngồi nhà buồn quá nên tình nguyện làm vài việc gì đó cho thành phố, một trong những việc đó là họ lái xe đi vòng vòng trong khu dân cư như đi tuần vậy, vừa giúp giữ an ninh vừa xem xét coi nhà nào luời biếng không chịu cắt cỏ hoặc không kéo thùng rác vào v.v… làm mất thẩm mỹ của cả xóm thì họ sẽ dán một cái thư nhắc nhở trên cửa liền. Nếu để mấy ông bà này nghe tiếng thằng Tồ thì nguy to, không những má thằng Tồ bị phạt mà cả đám Tồ, Cà Ri, Rô Ti đều bị di tản ra khỏi nhà ngay. Kiếm nhà khác cho thằng Tồ thì cũng phải mất một thời gian mà chưa chắc tìm được ai nhận nuôi nó. Điều cấp bách ngay bây giờ là phải cho thằng Tồ im miệng đã. Tôi ôm thằng Tồ vào nhà, bỏ vô một cái lồng nhỏ, quả hiệu nghiệm, nằm trong cái lồng nhỏ chật chội, không vươn cổ lên được nữa, ảnh hết gáy.
Suy nghĩ mãi tôi nhớ ra gần nhà tôi nhưng thuộc thành phố khác có một công viên cũng khá lớn nơi thỉnh thoảng tôi dắt chú cún cưng của tôi đến đi dạo. Tôi thấy có rất nhiều vịt trời, ngỗng trời, và rùa nước, điều này không lạ, ở đâu có ao hồ thì có tụi nó sinh sống thôi. Điều đặc biệt là có rất nhiều gà mà tôi chưa thấy một công viên nào có cả, đủ loại, đủ màu, trắng, đen, tía, gà trống, gà mái, gà con, gà tre v.v… Thoạt đầu tôi tưởng thành phố nuôi gà thả trong công viên này. Nếu vậy thì cho thằng Tồ đến ở ké cũng chẳng sao. Ăn ở lậu thì phải lén lút. Tôi ráng đợi tới tối, công viên bớt người mới dám mang thằng Tồ ra đó. Kiếm một góc vắng tôi thả thằng Tồ ra khỏi cái chuồng nhỏ. Vuốt ve và nói vài câu tạm biệt, nghĩ rằng thằng Tồ ở đây thì tôi có thể đến thăm nó thường xuyên. Một điều làm tôi cảm động vô cùng là khi tôi quay đi, thằng Tồ chạy theo chân tôi. Vừa cảm động vừa ngạc nhiên trước trí khôn của loài gà. Tôi phải đi vòng vòng một hồi, đợi lúc thằng Tồ đang chăm chú mổ mổ cái gì đó dưới cỏ tôi bỏ chạy thiệt lẹ. Đêm đó tôi mất ngủ, lo cho thằng Tồ không biết nó sẽ ra sao, tối này nó có bị chồn cáo gì ruợt bắt hay không vì đám bạn của nó đã bay lên cây cao ngủ từ lúc chạng vạng, còn bây giờ trời tối rồi, nó quáng gà biết đi đâu mà ngủ, rồi lo mấy tháng nay nó được nuôi nấng trong nhà, có thức ăn nước uống dâng tận miệng, tối có chỗ ngủ an toàn, nay lang thang ngoài công viên liệu nó có biết đi tìm nước uống hay không, tối đến có biết bay lên cây để ngủ hay không??? Rồi tôi tự an ủi, cả đám bạn bè của nó sống ngoài công viên bấy lâu vẫn nhởn nhơ an nhàn có sao đâu.
Sáng sớm hôm sau việc đầu tiên là tôi lái xe ra công viên, đi một vòng mà chẳng thấy thằng Tồ đâu cả. Thằng Tồ nhìn rất đặc biệt không lầm lẫn với đứa khác được vì mặt của nó có một chùm lông xù ra và lông của nó màu vàng giống gà Việt Nam, trong công viên này không có con gà nào cùng màu cả. Đi hai ba vòng vẫn không thấy nó. Tôi lo quá, chẳng lẽ nó bị chồn bắt rồi sao? Nhưng tôi hy vọng nói đã lang thang vào vườn của những căn nhà gần đó. Suốt tuần lễ sáng nào tôi cũng ghé vào công viên, có khi một ngày ghé hai lần, mà chẳng thấy bóng dáng của thằng Tồ.
Đến ngày thứ 8, tôi không đến buổi sáng nữa mà đến vào buổi chiều. Cũng đang ngó quanh tìm kiếm thì mừng quá, thằng Tồ kia rồi, đang nằm trên một cái thùng rác trước cửa một office building trong phạm vi của công viên này. Tôi đi nhanh đến vuốt vuốt lưng nó, nó nằm yên không chạy. Chợt có một nhân viên trong building đi ra, tôi giả bộ hỏi thăm về thằng Tồ, khen nó dạn dĩ quá. Cô ta liền kể cho tôi nghe chuyện giang hồ của thằng Tồ một tuần nay. Thì ra hổm rày thằng Tồ lang thang vào sở cảnh sát kế công viên và ở trong đó. “Mấy ông bà cảnh sát biết mặt nó hết rồi“, cô nói. “Ai đụng đến nó là đụng tới cảnh sát đó“, cô cười và bông đùa thêm. “Tiếc là ảnh phóng uế bừa bãi làm mấy ông bà cảnh sát đạp trúng phân hoài nên họ mới mang ảnh ra ngoài này“. Tôi cám ơn cô nhân viên và mừng thầm. Thằng Tồ an toàn.
Suốt cả tuần ngày nào tôi cũng lòng vòng trong công viên này để tìm thằng Tồ nên mới chú tâm tới những âm thanh và sự việc chung quanh. Thì ra đám gà trống đâu phải chỉ gáy gọi bình minh thôi đâu. Sáng trưa chiều tối lúc nào cũng nghe tiếng gà gáy. Một anh gáy thì hai ba anh gáy theo. Nghe tiếng gà gáy thật vui tai và nhớ Việt Nam vô cùng.
Hôm sau tôi mang đồ ăn ra cho thằng Tồ thì thấy nó vẫn ở quanh quẩn trước cửa building nọ, và thấy có vài nhúm gạo ai đã rải ra đó cho bầy gà. Tôi tới gần thì bầy gà trong công viên chạy đi xa, chỉ có thằng Tồ hình như còn nhớ tôi, nó đến mổ đồ ăn ngay trong lòng bàn tay tôi. Chụp cho nó mấy tấm hình xong tôi bye bye và hẹn nó vài hôm nữa sẽ ghé thăm.
Một tuần sau tôi lại đến thăm thằng Tồ. Nó vẫn ở đó, đang nhởn nhở tìm kiếm sâu bọ trên bãi cỏ cùng với vài ba đứa bạn mới. Tôi chạy lại gần gọi lớn “Tồ, Tồ” và ngồi xuống tính vuốt lưng nó nhưng không hiểu vì nó giận tôi hay vì nó đã quên tôi mà nó nhào tới mổ ống quần của tôi và mổ trúng ngón tay tôi đau điếng, điệu bộ của nó như muốn đuổi tôi đi. Tôi sửng sốt không biết vì cớ gì. Về nhà lên Net tìm hiểu thì ra gà trống ở lứa tuổi từ 5 tới 7 tháng là tuổi dậy thì, tụi nó sẽ trở nên hung hăng, ưa làm đại ca bảo vệ đàn em nhưng sau vài tháng thì sẽ bình thường trở lại.
Bẵng đi vài tuần tôi mới trở lại thăm thằng Tồ. Trời ơi, bầy gà đi đâu hết rồi, không còn bóng dáng một con gà nào trong công viên cả. Tôi hỏi thăm những người thường xuyên đến đó thì được biết vì đám gà này phá quá, cứ đi vào mấy cái office building quanh công viên phóng uế nên thành phố quyết định tìm nhà mới cho tụi nó, bắt hết cả đám mang vào trong nông trại gà thuộc một thành phố khác. “Ở đây còn có cả trăm con thỏ, tụi nó đục khoét đào hang cắn cây hoài cho nên rồi cũng sẽ bị túm cổ đi hết thôi“, một ông già đang tập thể dục trong công viên phàn nàn. Té ra bầy gà này không phải do thành phố nuôi. Tối đó tôi lại leo lên Net điều tra lý lịch của chúng mới biết số phận của tụi nó cũng tương tự như thằng Tồ. Một nguời không biết vì lý do gì không nuôi nữa mang bỏ ngoài công viên, và một người rồi lại một người khác rồi nhiều người khác, trong đó có tôi, cũng làm như vậy, chưa kể tụi gà mái ấp trứng nở thêm một đám gà con… Năm này qua tháng nọ, gà ở trong công viên này cũng đông không thua vịt trời và ngỗng.
Thôi thì từ đây thằng Tồ được ở trong nông trại, có bạn bè đông vui và được chăm sóc tử tế, tôi cũng an tâm và thế là từ đó trở đi tôi không còn dịp gặp lại thằng Tồ nữa.
Còn tiếp phần 2: Chút Hình Ảnh Quê Hương (2) - Chuyện Cà Ri và Rô Ti
HTNBB 14Nov014