Nổi mẩn ngứa ngoài da là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất là vào những ngày hè nóng nực hay khi tiết trời oi bức. Bên cạnh việc dùng một số sản phẩm trị ngứa cho trẻ thông thường là kem bôi ngoài da, các bậc cha mẹ có thể kết hợp cho trẻ tắm nước lá thảo dược để giảm ngứa hiệu quả. Vậy, trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì tốt nhất?
Mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì.
Vì sao trẻ dễ bị nổi mẩn ngứa?
Trước khi hiểu về việc trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì, cùng truy tìm nguyên nhân vì sao các bé hay bị nổi mẩn ngứa. Điều này sẽ giúp bạn có được biện pháp chăm sóc làn da cho trẻ phù hợp.
Làn da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất mỏng manh, nhạy cảm. Vì vậy mà các bé dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài. Do đó, trẻ dễ nổi rôm sảy, mẩn ngứa khó chịu, hăm tã, nhất là trong những ngày nóng bức.
Một số nguyên nhân khiến trẻ thường bị mẩn ngứa bao gồm:
- Di truyền: Một số căn bệnh gây ngứa da, nổi mẩn ngứa như bệnh mề đay, viêm da cơ địa, hoặc bệnh dị ứng da… có thể di truyền từ ba mẹ sang con.
- Dị ứng thực phẩm: Trẻ có thể bị nổi mẩn ngứa do bị dị ứng với thức ăn. Đối với trẻ bú mẹ, bé cũng có thể dị ứng với những thực phẩm mà mẹ ăn, dẫn đến tình trạng phát ban nổi mẩn ngứa. Một người có thể dị ứng với bất kỳ loại thực phẩm nào, tuy nhiên các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao được thống kê bao gồm thịt bò, thịt gà, hải sản, hạt đậu nành, đậu phộng, nấm…
- Côn trùng đốt: Những vết đốt của côn trùng như vết ong đốt, vết bọ chó cắn, vết muỗi đốt… có thể truyền nọc độc gây dị ứng và nổi mẩn ngứa ở trẻ em. Độc tố của một số loại côn trùng có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của trẻ. Vì vậy, ba mẹ phải hết sức cẩn thận và để ý đến trẻ khi tham gia vui chơi ở vùng có khả năng có nhiều loài côn trùng lạ.
- Dị ứng thời tiết: Việc thời tiết thay đổi đột ngột có thể là nguyên nhân gây dị ứng và khiến trẻ em bị ngứa da. Dấu hiệu dị ứng thời tiết gây ngứa ngoài da thường xảy ra ở những trẻ có sức đề kháng yếu, mắc các bệnh lý thuộc về dị ứng khác nữa như viêm mũi dị ứng, hen phế quản, mề đay dị ứng, viêm da cơ địa… Do đó, cha mẹ cần quan sát thời tiết xung quanh và biểu hiện của bé xem trẻ có mắc chứng bệnh này không.
- Dị ứng phấn hoa, dị ứng bụi: Phấn hoa, bụi bẩn có thể gây dị ứng da, khiến trẻ bị nổi mẩn ngứa. Tương tự như dị ứng thời tiết, trường hợp dị ứng bụi nhà, phấn hoa cũng thường gặp ở các bé có bệnh lý dị ứng trước đó. Cha mẹ nếu biết được các yếu tố gây dị ứng thì sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm soát tình trạng bệnh lý của bé.
- Mắc các bệnh ngoài da: Trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh với cấu trúc da rất mỏng manh thường mắc các bệnh ngoài da như chàm sữa, hăm tã, rôm sảy… khiến bé bị ngứa ngáy, khó chịu.
- Mặc tã bỉm quá chật: Nếu ba mẹ cho bé mặc tã bỉm hay quần áo quá chật, chất liệu vải không thấm hút mồ hôi, không thường xuyên thay tã hay quần áo để da được khô thoáng thì rất dễ xảy ra tình trạng hăm tã.
Việc hiểu rõ các nguyên nhân gây nổi mẩn ngứa ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh tìm ra cách chăm sóc và hỗ trợ điều trị phù hợp cho con.
Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? 9 loại lá tắm an toàn, hiệu quả cho bé bị ngứa
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên hạn chế sử dụng thuốc, kể cả thuốc bôi ngoài da, trừ trường hợp cần thiết và có chỉ định của bác bác sĩ. Do đó, nếu bé bị nổi mẩn ngứa, cha mẹ nên tắm nước lá thảo dược cho bé để giúp con giảm nhẹ triệu chứng.
Vậy, bé bị nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Dưới đây là 9 loại lá tắm trị mẩn ngứa cho trẻ cực kỳ hiệu quả mà bạn nên tham khảo:
1. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Lá trầu không
Khi nhắc đến các loại lá tắm trị ngứa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chắc chắn không thể bỏ qua lá trầu không. Trầu không chứa nhiều chất chống oxy hóa, đồng thời có công dụng diệt khuẩn, tiêu viêm, sát trùng hiệu quả. Những đặc tính này của lá trầu không giúp giảm mẩn ngứa ở trẻ em, hỗ trợ điều trị các tình trạng như rôm sảy, hăm tã…
Ngoài ra, lá trầu không còn giúp chữa lành các vết xước da do gãi, chống nấm da và giảm ngứa cho những bé có cơ địa dị ứng. Lá trầu không với tinh dầu có mùi thơm dễ chịu cũng sẽ giúp bé thư giãn, dễ ngủ, bớt quấy khóc.
Cách tắm lá trầu không trị mẩn ngứa cho bé:
- Bước 1: Rửa sạch 10 lá trầu không, vẩy ráo.
- Bước 2: Thái nhỏ rồi vò nát.
- Bước 3: Cho lá trầu đã thái vào nồi, thêm nước và đun sôi trong vài phút để lá trầu tiết ra tinh chất.
- Bước 4: Tắt bếp, pha thêm nước đến khi có vừa ấm rồi tắm cho bé.
2. Lá chè xanh
Nếu bạn thắc mắc trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì, đừng bỏ qua lá chè xanh. Lá chè xanh là một trong các loại lá tắm cho trẻ sơ sinh phổ biến nhất, rất an toàn, phù hợp với làn da nhạy cảm của trẻ. Đây là loại thảo dược nổi tiếng với đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp sát khuẩn, làm sạch da và các vi khuẩn bám trên da từ đó giúp giảm mẩn ngứa rõ rệt.
Không những thế, lá chè xanh còn chứa nhiều loại vitamin (vitamin A, B, C) giúp làm sạch và sáng da, tăng sức đề kháng cho da, nuôi dưỡng làn da của mịn màng của bé.
Cách tắm lá chè xanh trị ngứa cho bé:
- Bước 1: Chọn lá chè xanh tươi, không giập úa.
- Bước 2: Rửa sạch lá chè, cho vào nồi, thêm nước và đun sôi trong một lúc để lá chè xanh tiết ra tinh chất.
- Bước 3: Pha nước lá chè xanh đã nấu với nước nguội và tắm cho bé.
3. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Cỏ nhọ nồi
Không ít phụ huynh thắc mắc trẻ tắm nước gì để hết ngứa và mẩn đỏ? Câu trả lời là cha mẹ nên tắm nước cỏ nhọ nồi cho bé.
Theo kinh nghiệm dân gian, cỏ nhọ nồi là một trong những cây thuốc Nam có tác dụng trị ngứa cho trẻ hiệu quả. Y học cổ truyền cho rằng, cỏ nhọ nồi là cây thảo dược không độc, có vị chua, ngọt, tính hàn, có tác dụng lương huyết, cầm máu, ích âm, bổ thận thường được dùng trong điều trị can thận âm hư, các chứng huyết nhiệt, sốt cao, mẩn ngứa, chảy máu cam, mề đay..
Nếu bé nhà bạn bị muỗi chích, côn trùng cắn hay bệnh lý mề đay, viêm da cơ địa… hãy thử dùng nước lá cỏ nhọ nồi tắm cho bé. Ngoài ra, tắm nước cỏ nhọ nồi còn được cho là giúp hạn chế để lại vết thâm sẹo trên da của trẻ.
4. Lá khế
Lá khế là một câu trả lời hoàn hảo cho vấn đề trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Theo dân gian, lá khế thường được dùng để điều trị viêm da, dị ứng, rôm sảy, mẩn ngứa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Một số nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy lá khế chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và khoáng chất, có tác dụng phục hồi các mô da hư tổn và ức chế vi khuẩn gây hại. Việc dùng lá khế tắm trị ngứa cho bé không chỉ giúp giảm triệu chứng hiệu quả, mà còn góp phần giúp làn da bé thêm mịn màng.
Cách nấu nước lá khế tắm trị ngứa cho bé:
- Bước 1: Rửa sạch một nắm lá khế.
- Bước 2: Tuốt bỏ phần cọng cứng.
- Bước 3: Xay hoặc giã nát lá khế với một chút muối hạt.
- Bước 4: Lọc lấy nước lá khế cho vào thau nước tắm của trẻ rồi tắm cho bé khi nước vẫn còn ấm.
5. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Lá kinh giới
Nếu bạn băn khoăn trẻ bị ngứa tắm lá gì, hãy cân nhắc đến lá kinh giới. Kinh giới chứa nhiều chất kháng sinh tự nhiên, nhờ có nhiều hợp chất phenolic, lá kinh giới giúp bảo vệ làn da của trẻ sơ sinh khỏi tia UV, mầm bệnh và ký sinh trùng, có đặc tính sát khuẩn, làm sạch da cho bé.
Theo dân gian, việc sử dụng lá kinh giới để nấu nước tắm trị mẩn ngứa cho bé, kết hợp với việc cho con uống nước lá kinh giới mỗi ngày, có thể giúp điều trị và phòng ngừa mụn nhọt, mẩn đỏ, rôm sảy…
Cách 1: Dùng nước lá kinh giới tắm trị mẩn ngứa cho bé:
- Bước 1: Chọn lá kinh giới tươi, không giập hay bị vàng, héo.
- Bước 2: Rửa sạch lá kinh giới, để ráo.
- Bước 3: Giã nát lá kinh giới rồi chắt lấy nước pha với nước tắm của bé hoặc đun sôi với nước khoảng 5 - 7 phút, sau đó pha với nước nguội tắm cho bé.
Cách 2: Tắm lá kinh giới khô trị mẩn ngứa cho bé:
- Bước 1: Lấy một nắm lá kinh giới khô cho vào nồi, thêm nước.
- Bước 2: Đun sôi lá kinh giới khô một lúc rồi tắt bếp.
- Bước 3: Lọc lấy nước rồi pha vào nước tắm cho bé.
Chỉ sau một vài lần tắm, trẻ sẽ giảm bớt cơn ngứa ngoài da, bớt rôm sảy hẳn.
6. Bé bị nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Lá tía tô
Trẻ bị mẩn đỏ khắp người tắm lá gì? Hãy dùng lá tía tô. Nếu bạn mới chỉ biết đến lá tía tô như một loại rau gia vị, hãy khám phá thêm những công dụng đối với sức khỏe của loại thảo dược này, chẳng hạn như: chữa ho, long đờm, giải độc…
Nước ngâm lá tía tô có tác dụng ức chế các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn đại tràng. Việc tắm lá tía tô cho trẻ sơ sinh giúp kháng khuẩn, chống dị ứng, chống ung thư, chống oxy hóa và điều trị một số bệnh về da như rôm sảy, nấm da, ngứa da, chàm, mẩn đỏ.
Không những thế, đây cũng là một loại lá có tác dụng giải nhiệt, làm mát da rất tốt. Do đó, nếu bạn thắc mắc trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì, hãy nấu nước lá tía tô cho con tắm để trị ngứa.
Cách dùng lá tía tô trị ngứa cho bé:
- Bước 1: Rửa sạch một nắm lá tía tô.
- Bước 2: Cho vào cối, giã nát
- Bước 3: Lọc lấy phần nước cốt và chấm lên vùng bị rôm sảy của trẻ vài lần/ngày.
- Bước 4: Đợi khoảng 15 phút cho nước lá tía tô khô lại trên bề mặt da của bé.
- Bước 5: Tắm lại cho bé hoặc lau mình cho trẻ bằng nước ấm.
7. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Lá cây dền gai
Có thể bạn sẽ bất ngờ khi thấy lá dền gai là một trong những đáp án cho vấn đề bé bị mẩn ngứa tắm lá gì. Dền gai là vị thuốc Nam mọc hoang khắp nơi ở nước ta, từ đồng bằng cho đến vùng núi.
Theo y học học cổ truyền, rau dền có vị ngọt nhạt, tính lạnh, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, thu liễm ngừng tả, chữa được nhiều bệnh như táo bón, bệnh phụ sản, khớp xương sưng đau, phù thũng, bệnh về thận, chữa lỵ và làm thuốc điều kinh… Dân gian thường dùng cả thân, lá, rễ, hạt của cây dền gai để làm thuốc. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc chữa bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt, mẩn ngứa ngoài da.
Lá dền gai khi được nấu thành nước tắm cho bé không chỉ giúp giảm sưng, ngứa do côn trùng cắn, mà còn mang lại một làn da mịn màng cho trẻ. Ngoài ra, lá dền gai còn có tác dụng trị ho, long đờm và hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp khác.
Vậy còn chần chờ gì mà không tìm mua lá dền gai về nấu nước tắm trị ngứa cho con đây các mẹ ơi?!
8. Khổ qua rừng
Với nhiều gia đình, khổ qua rừng chính là ưu tiên số một cho vấn đề trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì. Theo kinh nghiệm dân gian, nước lá khổ qua rừng là một bài thuốc trị mẩn ngứa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hiệu quả.
Thành phần charantin trong lá khổ qua có tác dụng tăng lưu thông máu, giúp da trẻ trắng hồng. Đặc tính kháng khuẩn cao của lá khổ qua rừng cũng giúp tăng đề kháng cho trẻ, ngăn ngừa viêm nhiễm. Khổ qua rừng không chỉ giúp làm khô các vết cắn của côn trùng, mà còn hỗ trợ điều trị mẩn ngứa, rôm sảy nhanh chóng.
Cách nấu khổ qua rừng trị ngứa cho bé:
- Bước 1: Cho 50g lá và dây khổ qua rừng vào nồi, thêm nước.
- Bước 2: Đun sôi trong khoảng 15 phút rồi tắt bếp.
- Bước 3: Pha nước tắm và tắm cho bé trong 3 lần/tuần để thấy hiệu quả rõ rệt.
9. Trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì? Cỏ mần trầu
Cỏ mần trầu là cây thuốc Nam có tính mát, vị ngọt, hơi đắng và có công dụng hành huyết, bổ huyết, thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, mát gan. Loại thảo dược này được dùng trong các bài thuốc Y Học Cổ Truyền với công dụng chữa chướng bụng, phong thấp, tiểu tiện không thông, sốt rét, gan nóng, huyết áp cao.
Vậy, liệu cỏ mần trầu có phải là lời đáp hoàn hảo cho thắc mắc “Bé bị mẩn ngứa tắm lá gì?” hay không? Câu trả lời là “Phải”. Cỏ mần trầu được nhiều người biết đến là một trong những loại lá tắm trị mẩn ngứa, ghẻ lở và rôm sảy cho bé. Ngoài ra, cỏ mần trầu cũng có thể được dùng để giảm sốt, trị ho, chữa bệnh đái dầm cho trẻ.
Lưu ý khi sử dụng lá tắm cho bé bị ngứa
Với 9 loại lá dễ tìm dùng để tắm trị ngứa cho bé, mong rằng bạn đã biết được trẻ tắm lá gì để hết ngứa. Mặc dù việc dùng các loại lá tắm trị ngứa cho bé rất công hiệu, tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh vẫn nên thật cẩn trọng.
Do đó, ngoài việc đi tìm lời đáp cho thắc mắc trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì, các bậc phụ huynh nên lưu ý những điều sau:
- Khi phát hiện trẻ bị nổi mẩn ngứa, khó chịu, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để có phương án điều trị phù hợp.
- Việc tìm hiểu nguyên nhân gây ngứa da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là cần thiết để quá trình điều trị dễ dàng và nhanh chóng.
- Khi tắm lá cho bé để trị ngứa, bạn cần rửa sạch mọi bụi bẩn và côn trùng bám trên lá. Ưu tiên dùng các loại lá sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, rửa lá dưới vòi nước chảy nhiều lần, ngâm lá trong nước muối loãng trước khi nấu.
- Để đảm bảo an toàn cho bé, hãy đảm bảo nước lá tắm sau khi pha ở khoảng 37 độ C. Bên cạnh đó, bạn nên để ý đến trẻ và để nước lá tắm đã đun sôi cách xa tầm tay của bé.
- Bạn nên lau sơ cho bé bằng nước ấm trước rồi mới tắm nước lá. Cuối cùng, bạn tắm lại một lần nữa với nước ấm để loại bỏ bột lá có thể còn sót lại trên da trẻ.
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được trẻ nổi mẩn ngứa tắm lá gì và những lưu ý khi tắm nước lá trị ngứa cho bé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]