Cách kết thúc bài phát biểu, bài thuyết trình cũng là một yếu tố rất quan trọng để có một bài phát biểu thành công. Một cách kết thúc đầy ấn tượng và bất ngờ sẽ để lại dư âm trong lòng khán giả.
Không cho thấy dấu hiệu sẽ kết thúc
Người diễn giả thiếu bình tĩnh luôn đưa ra những dấu hiệu của sự kết thúc.
Sau đây là bản liệt kê những lời báo trước đó:
- Và cuối cùng tôi phải nói rằng…
- Bài phát biểu của tôi sắp sửa kết thúc…
- Và đây là câu chuyện cuối cùng của tôi…
- Trước khi đứng dậy ra về, tôi phải nói với mọi người…
- Chắc hẳn là quý vị đã nghe tôi nói khá nhiều rồi, giờ đây tôi sắp sửa phải dừng lại…
Những câu trên đây đều là những dấu hiệu kết thúc. Bạn đừng bao giờ sử dụng chúng. Lý do tại sao các diễn giả thiếu tự tin hay sử dụng chúng là vì trong suốt bài phát biểu họ luôn mong muốn giây phút kết thúc, và thật phấn khởi khi họ có thể nói với một vẻ dứt khoát: “Và giờ đây, tôi sắp sửa kết thúc bài phát biểu…”. Nhưng vào đúng lúc đó, một sự việc lạnh lùng xảy ra, thay vì kết thúc, họ lại tiếp tục nói. Hãy ghi nhớ là đừng đưa ra một dấu hiệu kết thúc, nhưng khi bạn quyết định kết thúc, hãy kết thúc ngay.
Kết thúc bài phát biểu, bài thuyết trình: Hãy kết thúc bất ngờ
Thay vì báo cho mọi người biết bài phát biểu sắp kết thúc, hãy dành cho họ sự bất ngờ. Hãy để cho họ cảm thấy bạn còn đang ngon trớn, rằng còn có nhiều điều chưa nói được hết, thể rồi bạn kết thúc một cách không đoán trước được.
Bạn sẽ không làm cho mọi người sửng sốt. Bạn sẽ khiến cho họ cảm thấy thích thú với cách kết thúc của bạn, miễn là bạn sử dụng một trong những kỹ thuật kết thúc chuẩn. Những cách kết thúc bài phát biểu, bài thuyết trình
Nếu bạn chuẩn bị sẵn một kết thúc đặc sắc cho bài phát biểu, bài thuyết trình, bài phát biểu của bạn sẽ khiến mọi người thích thú, bao gồm những cách sau:
Kết thúc bằng cách tóm lược
Đây là một cách kết thúc đặc biệt hữu ích nếu như bạn muốn cho mọi người ghi nhớ những chi tiết nổi bật của bài phát biểu của bạn, một thời gian lâu dài sau khi bạn kết thúc bài phát biểu.
Bạn kết thúc bằng cách tóm lược lại các điểm chính nhưng bạn không báo trước cho mọi người biết. Nếu không như vậy thì chính bạn đưa ra những dấu hiệu cho biết bạn sẽ kết thúc. Bạn sẽ không kết thúc bằng cách nói: “Bây giờ tôi xin phép tóm lược…”, nhưng bạn có thể nói: “Chúng ta sẽ ghi nhớ là…” và sau đó bạn nêu lên các điểm quan trọng.
Sau đây là một ví dụ:
Bài phát biểu về công tác tuyển dụng cảnh sát: “Về mặt lợi ích cá nhân sẽ có đủ mọi cơ hội để bạn chọn chơi một môn thể thao ưa thích. Lương bổng lại hậu hĩnh. Nhiệm vụ của một người truy tìm kẻ phạm tội lại thú vị và không bao giờ nhàm chán. Các cảnh sát mặc sắc phục có thể thi hành nhiệm vụ theo phiên giống như các nhân viên thường phục tại Cục Điều tra hình sự. Nói tóm lại, đó là một nghề rất được coi trọng”. (Kết thúc).
Kết thúc bằng một câu hỏi
Đôi khi diễn giả nêu lên để cho mọi người suy nghĩ tìm kiếm câu trả lời cho một câu hỏi nhất định mà anh ta đặt ra cho họ.
Nếu một câu hỏi như vậy đặt ra cho họ sớm quá, họ sẽ quên nó đi. Tuy vậy, khi diễn giả kết thúc bài phát biểu bằng một câu hỏi, họ sẽ ghi nhớ câu hỏi đó.
Ví dụ, bài phát biểu tại một phiên họp các cổ đông của một tập đoàn khách sạn: “Câu hỏi đặt ra là nên tiến tới hay rút lui. Các khách hàng của chúng ta vẫn trung thành với chúng ta, nhưng cho tới khi nào chúng ta chưa hiện đại hóa các trụ sở của chúng ta ở khu vực phía tây, chúng ta sẽ không mời gọi sự tham gia vốn có của khách hàng mới, vốn rất cần thiết cho sự phát triển của tập đoàn chúng ta.
Vốn mà chúng ta cần đến không phải là ít, nhưng chúng ta cũng cần phải xoay cho ra. Các cổ phần ưu tiên mới mà tôi đề cập tới quý vị sẽ có mức lãi là 8%. Câu hỏi mà quý vị sẽ phải trả lời là: Quý vị có thể sử dụng đồng vốn của quý vị tốt hơn nữa hay không? Tôi không nghĩ là quý vị có thể”. (Kết thúc).
Cách kết thúc mang tính chất “kịch tính”
Lối kết thúc bài phát biểu, bài thuyết trình này ít được sử dụng, nhưng đôi khi tỏ ra rất hiệu quả.
Chúng ta hãy nghe A.C.Hazel giải thích trong quyển sách Profesional Salesmanship (về nghề bán hàng).
“Cách kết thúc mang kịch tính thường tỏ ra rất hiệu quả. Tôi còn nhớ một vị giáo sư già của chúng tôi thỉnh thoảng hay sử dụng lối kết thúc này để chấm dứt bài giảng của ông ta. Vào cuối bài giảng của mình, ông ấy nói thẳng với chúng tôi rằng nếu chúng tôi không hiểu được các chủ điểm mà ông vừa trình bày, và nếu chúng tôi không nhận ra tầm quan trọng của đề tài của ông thì rõ ràng - vừa nói ông vừa buông mình ngồi phịch xuống ghế, ông đã thất bại. Phản ứng của chúng tôi trước lời kết thúc này là không thể để cho vị thầy thất vọng, và chúng tôi đã nỗ lực để ghi nhớ những gì ông ấy đã trình bày”.
Một thủ thuật khác cũng mang lại hiệu quả mong muốn là hạ thấp giọng dần dần cho tới khi chỉ còn là một lời thì thào và ngồi xuống. Kỹ thuật ngược lại cũng đem lại hiệu quả là “lên giọng cho tới khi đạt đến cực điểm, và rồi ngồi xuống” (Kết thúc).
Kết thúc phát biểu, thuyết trình bằng một bài thơ hoặc câu trích dẫn
Nếu bạn cảm thấy tự tin đối với giọng nói và cách diễn đạt của bạn và nếu bạn có thể đọc bài thơ, một kết thúc bằng bài thơ thỉnh thoảng cũng có thể mang lại hiệu quả như ý. Riêng đối với những lời trích dẫn, bạn chỉ nên sử dụng nếu có thể làm nổi bật được nội dung bài nói của bạn.
Ví dụ: "Uống rượu hay không, đó là một sự lựa chọn tự ý. Như Seneca từng nói: “Say sưa không có gì khác hơn là một sự điên rồ tự ý”. Đứng trên một lập trường ngược lại, một diễn giả khác nói về rượu vang. Ông ta ca ngợi phẩm chất của nho, xong kết luận: “Ngoài ra nó cũng có ích cho sức khỏe của bạn. Chính nhà bác học Louis Pasteur vĩ đại đã nói Rượu vang là thức uống bổ dưỡng nhất và vệ sinh nhất. Vậy chúng ta nên uống loại rượu này, vì sự ưa thích cũng vì sức khỏe của chúng ta”.
Kết thúc bài phát biểu bằng một sự nhân nhượng
Bạn có thể cho không một cái gì đó không? Bạn có chấp nhận một sự nhân nhượng? Ít khi một diễn giả sử dụng cách kết thúc này, nhưng nếu bạn thấy cần sử dụng nó, hãy sử dụng cho có kết quả.
Sau đây là một ví dụ:
Bài phát biểu đọc tại một họp thảo luận về việc thành lập một câu lạc bộ mới:
“Hiện giờ quý vị đã có đầy đủ mọi dữ kiện trước mắt và tôi tin rằng quý vị đều đồng ý với tôi là Ủy ban lâm thời đã làm một việc đáng khen. Như quý vị đã rõ, Ủy ban cho rằng chúng ta phải ấn định một lệ phí gia nhập là 25 bảng Anh và niên liễm hằng năm là 10 guineas. Nhưng đây là điểm cần lưu ý: Mọi người quyết định gia nhập Câu lạc bộ của chúng ta ngày hôm nay đều có thể trở thành hội viên vĩnh viễn mà không phải đóng thêm bất cứ khoản tiền nào sau này. Thưa quý vị, quý vị cần phải tận dụng lợi thế này”. (Kết thúc).
Kết thúc phát biểu, thuyết trình bằng một câu chuyện
Cách kết thúc phát biểu, thuyết trình bằng một câu chuyện kể luôn luôn hấp dẫn mọi người, nếu đó là một câu chuyện hay. Các câu chuyện có thể nghiêm túc hay hài hước. Nếu bạn có thể kết thúc bằng cách làm cho mọi người cười hả hê, khi đó bạn đã kết thúc một cách đặc sắc. Nếu câu chuyện bạn kể hấp dẫn người nghe đến độ họ bị bạn thu hút đến giây phút cuối, khi đó bạn đã thành công một cách ngoạn mục.
Kết thúc phát biểu, thuyết trình gây sợ sệt
Khi một diễn giả muốn làm cho chúng ta sợ mà làm theo ý anh ta, sử dụng một kết thúc gây sợ sệt. Sau đây là ví dụ:
Một bài diễn văn nhằm gây quỹ cho một câu lạc bộ: “Quý vị đã nghe kể về những gì đã xảy đến cho ba bạn trẻ của làng này trong khoảng thời gian có 12 tháng. Chúng ta có thể ngồi nhìn một cách an nhiên tự tại và nói rằng đây là những trường hợp ngoại lệ hay không? Sẽ không có một người nào trong sảnh đường này mà không hậu thuẫn cho lời nói của tôi khi nói rằng đêm đêm con em chúng ta vẫn tụ tập trên các góc phố. Và khi các chàng trai, các cô gái không có gì để làm, họ sẽ kiếm chuyện rắc rối. Tôi không nói chúng ta là những đứa trẻ xấu. Tôi không tin là có nhiều trẻ xấu đến như vậy, nhưng chúng ta đều biết, ngay khi chúng quá nhàn rỗi. Chúng ta phải có câu lạc bộ này, và tôi yêu cầu quý vị hãy vét hết những gì trong túi để cứu con cái của chúng ta, nếu không con em của các bạn có thể…” (Kết thúc).
Kết thúc phát biểu, thuyết trình bằng cách chọn lựa
Như tựa đề bao hàm, diễn giả yêu cầu mọi người phải chọn lựa một trong hai đường lối hành động.
Sau đây là một ví dụ:
Bài diễn văn tại phiên họp của các nhà quản lý doanh nghiệp bàn về việc gia tăng sản xuất để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu: “Đúng như lời vị diễn giả vừa rồi, thị trường thế giới đang mỗi ngày một trở nên nóng bỏng và vấn đề sản xuất hàng hóa với số lượng lớn đang là vấn đề cực kỳ quan trọng. Nếu chúng ta không thể mở rộng hơn nữa các xưởng sản xuất của chúng ta, nếu chúng ta không thể tuyển dụng thêm nhiều công nhân có tay nghề, vậy thì chúng ta phải trạng bị máy móc mới và ứng dụng các phương pháp sản xuất mới. Giá hàng sẽ phải giảm để đối phó với việc cạnh tranh đang gia tăng. Quý vị phải quyết định xem liệu việc có nên tiếp tục sản xuất ít hàng hóa có chất lượng với giá thành cao, hay là sử dụng các kỹ thuật sản xuất đại trà, sẽ cho phép chúng ta đẩy mạnh việc bán hàng bằng cách cho giá rẻ hơn. Quý vị sẽ chọn cái nào?”. (Kết thúc).
Kết thúc phát biểu, thuyết trình bằng hành động
Bạn muốn có hành động. Bạn muốn mọi người làm một cái gì đó và làm thật nhanh. Khi đó bạn sử dụng một kết thúc bằng hành động.
Sau đây là một ví dụ:
Một lời kêu gọi sự trợ giúp để bảo tồn một thắng cảnh ở địa phương: “Đã có đến năm khiếu nại khác nhau để được nạp lên Hội đồng và Bộ hữu quan của Chính phủ, và cả năm đều chính đáng như nhau. Nhưng một vị nào đó, ở một nơi nào đó, một quan chức cấp cao nào đó vẫn tiếp tục nói “Không”! Cánh đồng cỏ xanh tươi đẹp đẽ ở làng quê của chúng ta, với bao nhiêu thế kỷ truyền thống đằng sau nó sẽ không tồn tại nữa, nếu không phải điều chỉnh lại các kế hoạch được vạch ra bởi những người không hề nhọc công đến đây để tìm hiểu xem nó có nghĩa như thế nào đối với chúng ta. Không thể! Và chúng ta không cho phép họ làm chuyện đó. Một đơn thỉnh nguyện đã được soạn thảo và ông Mason sẽ đích thân trao nó cho vị đại biểu của chúng ta tại Nghị viện. Chúng tôi cần có chữ ký của quý vị, và chúng tôi cần có ngay bây giờ, chứ không phải là ngày mai hay ngày kia, mà là trước khi quý vị rời khỏi chỗ này. Ông Burgen đang đợi quý vị ký vào đơn. Ông ta đang đứng bên cạnh lối ra. Hãy ký vào đơn trước khi ra về”. (Kết thúc).
Bây giờ bạn phải tự mình tìm kiếm vài ví dụ nữa. Hãy đọc lại các cách kết thúc khác nhau nhiều lần. Sau đó hãy nghĩ ra cho mỗi một trong các bài diễn văn sau đây bốn cách kết thúc khác nhau:
- Về việc sưu tập tem thư.
- Về Hiệp hội quốc gia phòng chống việc bạo hành đối với trẻ em.
- Độc quyền có đưa đến việc tăng giá hàng?
- Tội phạm không bị trừng phạt…
Sau khi bạn kết thúc bài phát biểu, và trở về chỗ của mình, hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:
- Ta có khiến mọi người chú ý theo dõi?
- Ta có làm cho họ buồn chán?
- Ta có làm cho họ tức giận?
- Ta có trả lời được những câu hỏi xuất hiện trong đầu của họ hay không?
- Ta có thành thật không?
- Ta có nhiệt tình với đề tài hay không?
Nếu bạn có thể trả lời những câu hỏi này một cách chính xác, bạn có thể có một bài phát biểu đặc sắc.
Nguồn: Sưu tầm từ Internet