Trước khi được tiếp xúc với đất và người miền Tây - nơi có dòng Cửu Long tìm đường ra biển, thì câu hát ấy làm tôi liên tưởng về một điều gì đó rất thanh bình, yên ả, thấm đượm tình quê…
Tác giả (bên trái) cùng với các nhà hảo tâm đến trao “giếng nước tình thương” cho bà con Cà Mau, năm 2016
TGCC
1. Năm cuối đại học, tôi được là cộng tác viên trong một chương trình phát thanh thực tế về từ thiện xã hội. Công việc của tôi là giúp biên tập viên về các vùng quê nghèo ở miền Tây, gặp gỡ, khảo sát và thu băng phỏng vấn nhân vật để chuẩn bị cho số phát sóng mới. Những ngày đầu chập chững vào nghề báo nói, tôi được “thử lửa” bằng nhiệm vụ đọc, dẫn chương trình trong phòng thu. Kịch bản được đưa trước 30 phút kèm theo yêu cầu: tôi phải đọc sao cho toát lên được tính cách, số phận của bốn bà cháu Thạch Thị Sên ở Trà Vinh. Câu chuyện được kể trên làn sóng phát thanh lần ấy thực sự rất xúc động, đã lấy đi biết bao nước mắt của thính giả gần xa.
Có những đoạn trong kịch bản khiến tim tôi đập dồn dập. Đó là vì lần đầu tiên tôi được bước vào phòng thu chuyên nghiệp, ngồi đọc cùng một biên tập viên dày dạn kinh nghiệm, nhưng hơn hết là sự đồng cảm trước số phận trái ngang của nhân vật trong chương trình. Bà Thạch Thị Sên một mình nuôi ba đứa cháu nhỏ bằng công việc chuốt cọng dừa. Mỗi ngày có làm đến còng xương sống bà cũng chỉ bán được 30.000 đồng. Bằng trải nghiệm ít ỏi của một sinh viên 21 tuổi, tôi cứ mải tìm câu thắc mắc họ đã sống được bằng cách nào?
Ngôi nhà tình thương nằm giữa cánh đồng lúa chín vàng mênh mông, dưới hàng dừa cao vút, ngôi nhà chỉ có mỗi cái giường là giá trị nhất. Tôi được ban biên tập cử đến để viết bài ghi nhận về cảm xúc của bốn bà cháu khi được các nhà hảo tâm tặng tiền và đồ gia dụng. Đó là lần đầu tiên tôi được đặt chân đến miền Tây. Bà Sên nói: “Vậy là ngày mai tui có tiền đi chợ mua đồ ăn cho mấy đứa nhỏ rồi, mấy tháng nay tui không dám ra chợ…”. Nói đến đó, bà cháu lại khóc như mưa, vừa khóc vừa cười vì vui không tả được, âm thanh ấy đã được tôi thu lại.
Cô cháu gái dẫn tôi ra phía trước nhà, em nói từ nay không phải tắm dưới cái mương kia nữa, đã có giếng nước sạch người ta cho rồi! Thì ra người miền Tây là vậy, rất chân phương, bộc trực, họ có thể nói ra tất cả những cảm xúc vui, buồn mà không tô vẽ, có sao nói vậy, dù đó là câu chuyện ngang trái nhất của bản thân. Đến đây, tôi nghĩ rằng, số phát sóng tôi đọc hôm trước trong phòng thu dường như chưa thể chuyển tải hết được tâm hồn, tính cách của nhân vật này rồi…
2. Tôi được ban biên tập giao nhiệm vụ đi một “tour” xuyên các tỉnh miền Tây để phỏng vấn cảm xúc của bà con sau khi nhận được “giếng nước tình thương”. Trước đó, bà con nghèo phải sử dụng nước bị nhiễm phèn nặng để sinh hoạt vì chi phí khoan giếng trên trên đất phèn rất cao, khoan xong chưa chắc đã có nước ngọt. Khi nhìn thấy đoàn của chúng tôi, bà con quê nghèo ở miệt thứ Cà Mau chạy ra chào đón rổn rảng hồn nhiên như trẻ con. Tôi nắm lấy đôi tay chai sần và cảm nhận cái chân chất, hồn hậu và niềm vui không thể giấu của bà con nơi đây.
“Chú ơi, nước giếng khoan cũng còn chút mùi phèn, nhưng vậy là đỡ lắm rồi. Tụi tui mừng mà cả đêm không ngủ được đó chú. Thương đứt ruột hà”, bà cụ nói lớn, rồi tất cả mọi người cười phá lên. Bà lọ mọ vào trong gian bếp lợp bằng lá dừa, bưng ra nồi cháo và ép chúng tôi ăn bằng hết mới được về.
Mùa nước nổi ở vùng Tịnh Biên, An Giang
TGCC
Chuyến công tác ấy còn cho tôi “rửa phèn” tầm mắt vì được nhìn ngắm gần hết các cây cầu nổi tiếng ở miền Tây như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu… Cùng với đó, tôi cũng được trải nghiệm một cây cầu mà có lẽ chỉ có miền sông nước mới có: cầu khỉ. Có lẽ cây cầu khỉ không chỉ còn là phương tiện đi lại bờ mà còn là một nét văn hóa hết sức độc đáo của vùng sông nước phương Nam. Không cầu kỳ gì, chỉ cần có vài cây tre, cây gáo, cây bần, cây dừa hay cây cau, bà con đôi bờ đã có thể tạo nên một “kỳ quan” bắc qua sông, nối liền những niềm vui.
“Ví dầu cầu ván đóng đinh
Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi
Khó đi mẹ dắt con đi
Con đi trường học, mẹ đi trường đời”.
Cái sự “lắc lẻo”, “gập ghềnh” ấy đã khiến tôi nhiều phen hú vía. Cảm giác đầu tiên là sợ bị rớt xuống nước, cây cầu cứ rung rinh, liêu xiêu, tưởng chừng như sắp sập xuống. Thằng bé mặt lấm lem bùn đất nói với tôi: “Chú đi ngang ngang cái giò á, đi dọc để bị trợt té lắm”. Nghe lời, tôi đi ngang như cua, tay bám chặt vào cây vịn, không dám thở mạnh, nhích từng bước để qua được bên kia sông.
- Sao gọi là cầu khỉ vậy em?
- Dạ, con nghe người ta nói, đi qua cái cầu này nhìn giống con khỉ nên gọi là vậy đó chú!
3. Càng ngày tôi càng có nhiều người bạn miền Tây hơn. Ngay cả khi chuyển hướng theo đuổi màu xanh áo lính, ra Bắc học tập, tôi cũng có nhóm bạn miền Tây hết ý. Khâm phục nhất ở chúng nó là khả năng bơi lội dường như đã trở thành bản năng. Đồng chí Nhặn, quê ở An Giang, có thân hình bé nhỏ nhất lớp nhưng lúc bơi thì như rái cá. Nó lướt nước nhẹ mà xa, đạp chân có mấy cái đã tới đích, không giống như tôi, vẫy vùng mãi mà cảm giác như bơi lùi về sau.
- Ông bơi vậy sao mà qua được môn? Giọng nó ngọt như mía lùi.
- Ừ, ai giống như mấy ông, đẻ ra đã được nhảy xuống sông, xuống đìa tắm rồi, nên mấy ông có tự động nổi rồi, không cần bơi nữa!
Tụi nó hay kể cho tôi nghe về “mùa nước nổi” - mùa được mong đợi nhất trong năm, mùa mà nước tràn về thành một biển nước mênh mông. Mùa nước nổi mang đến cho bà con trong vùng tôm, cá đầy xuồng, và cả đặc sản dân dã cá linh, cá lòng tong, bông điên điển… Đối với thằng Nhặn, mùa nước nổi trở thành ký ức đẹp của tuổi thơ, ba thì đi giăng lưới, mẹ thì mang cá chợ bán, còn nó thì bơi lội tung tăng đến mức bị nước ăn lở hết da.
Thi thoảng, gia đình nó lại gửi ra mấy hũ mắm cá linh. Ôi, chưa đầy một phút 30 giây, các đồng chí miền Nam trong đơn vị xúm lại xin mỗi người một muỗng, thế là hết sạch sành sanh. Vậy mà vui. Có đứa còn kêu người nhà gửi ra hũ muối tôm Tây Ninh, mỗi lần học ngoài thao trường, gói vào lá cóc non để ăn cho đỡ nhớ miền Nam.
Hai năm cùng chung sống, học tập ở phương xa, các đồng chí miền Tây đã truyền cho tôi lối sống giản dị, hào sảng, tinh thần lạc quan, yêu đời - vốn là phẩm chất của người lính. Họ không giàu có lắm, nhưng vùng sông nước hiền hòa quanh năm bồi đắp phù sa đã cho họ một tài sản vô giá, đó là tính cách “rặt” miền Tây.