Có nhiều nguyên nhân làm cho khớp cổ tay kêu lục cục, cần chẩn đoán và điều trị sớm để tránh biến chứng. Ngoài ra, phòng ngừa khớp cổ tay kêu lạo xạo cũng rất quan trọng. Vậy, nguyên nhân khớp cổ tay kêu là gì? Có nguy hiểm không?
Khớp cổ tay kêu lục cục là gì?
Khớp cổ tay kêu lục cục là tình trạng phát ra tiếng kêu ở khớp cổ tay khi người bệnh cử động. Đa số trường hợp không gây sưng và đau, nhưng một số trường hợp khác lại có cảm giác đau nhói, kèm biểu hiện sưng đỏ. Đó có thể là hệ quả của tổn thương gân, dây thần kinh, dây chằng… hoặc các bệnh lý khác.
Nguyên nhân gây ra khớp cổ tay kêu lạo xạo
1. Sụn khớp bị mòn
Sụn khớp cổ tay chịu áp lực hoạt động trong thời gian dài nhưng không được cung cấp đủ dưỡng chất sẽ nhanh chóng bị mòn. Sụn khớp bị mòn gây ra tiếng kêu lục cục khi cử động. Một số trường hợp khác còn có biểu hiện sưng khớp cổ tay, cứng và đỏ khớp, cổ tay hoạt động kém linh hoạt…
2. Giảm dịch khớp
Giảm dịch khớp còn gọi là khô khớp hoặc thiếu dịch khớp, cũng là nguyên nhân khiến khớp cổ tay kêu lạo xạo. Thiếu dịch khớp làm tăng tính ma sát giữa các đầu sụn khớp, các khớp hoạt động không trơn tru, gây ra tiếng kêu lạo xạo. Có nhiều lý do làm giảm dịch khớp như thoái hóa khớp, chấn thương, vôi hóa ổ khớp…
3. Viêm khớp dạng thấp
Khớp cổ tay kêu lạo xạo cũng có thể là do viêm khớp dạng thấp. Bệnh lý này sẽ ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp trên cơ thể. Ngoài tiếng kêu lục cục ở khớp cổ tay, viêm khớp dạng thấp còn gây sưng đau, cứng khớp… Viêm khớp dạng thấp cần phải điều trị sớm, nếu không người bệnh sẽ bị hạn chế hạn vận động trong tương lai.
4. Bị gút
Bệnh gút là dạng viêm khớp phổ biến, gây sưng và có tiếng lạo xạo ở các khớp, trong đó có khớp cổ tay. Bệnh gây ra cảm giác đau đột ngột, người bệnh bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khớp ngón chân. Bệnh gút là hệ quả của quá trình tích tụ muối urat trong huyết thanh thời gian dài. (1)
5. Bong gân, giãn dây chằng
Bong gân, giãn dây chằng là tình trạng tổn thương ở phần nối giữa cơ và khớp, do dây chằng bị căng quá mức. Khi bị tổn thương, dây chằng cọ xát với xương và tạo ra tiếng kêu lục cục khi cử động. Bị bong gân, giãn dây chằng khiến người bệnh vận động hạn chế.
6. Gãy xương nhỏ
Gãy xương nhỏ ở khớp cổ tay có thể xảy ra do thoái hóa khớp, chấn thương, tai nạn, hoặc do các tế bào ở khớp cổ tay quá tải áp lực. Nứt hoặc gãy xương nhỏ tại khớp cổ tay sẽ tạo ra nhiều ma sát hơn khi vận động. Tình trạng này không chỉ tạo ra tiếng lạo xạo ở cổ tay, mà còn có gây đau, sưng, thoái hóa các khớp…
7. Thiếu chất dinh dưỡng
Cơ thể bị thiếu canxi, vitamin B12, vitamin D, collagen… sẽ làm cho các khớp bị khô, tạo ra ma sát lớn khi cử động và có tiếng kêu lục cục. Thiếu hụt chất dinh dưỡng còn dẫn đến thoái hóa khớp hoặc xương chậm phát triển, làm ảnh hưởng sức khỏe toàn thân. Vì vậy, vấn đề này không thể xem nhẹ.
8. Một số bệnh lý khác
Vôi hóa ổ khớp, viêm gân… cũng là các bệnh lý tạo ra tiếng lạo xạo ở khớp cổ tay. Trong đó, viêm gân là một dạng tổn thương, gân sẽ cọ xát với xương và gây ra tiếng kêu bất thường. Vôi hóa ổ khớp là hiện tượng tích tụ canxi ở các mô sụn, gây tổn thương đầu sụn khớp và có tiếng kêu lục cục khi cử động.
Khớp cổ tay kêu lục cục có nguy hiểm không?
Khớp cổ tay kêu lạo xạo thường không đáng lo ngại. Tiếng lục cục ở cổ tay khi cử động nhưng không gây đau chủ yếu là do quá trình giải phóng các bọt khí ở dịch khớp tạo ra và đây là hiện tượng bình thường.
Tuy nhiên, khi tiếng lục cục ở cổ tay kèm theo dấu hiệu yếu chi, khó cử động… người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị sớm. Đó có thể là dấu hiệu của một vài bệnh lý nguy hiểm. Nếu không điều trị kịp thời, vấn đề không chỉ dừng lại ở tiếng kêu răng rắc ở cổ tay, mà còn làm tăng nguy cơ liệt khớp.
Triệu chứng của khớp cổ tay kêu lạo xạo
Ngoài tiếng kêu ở khớp cổ tay, một số trường hợp còn có thể xuất hiện triệu chứng bất thường khác. Chẳng hạn như: (2)
- Sưng tấy ở cổ tay
- Đau nhức sâu bên trong cổ tay
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
- Yếu cơ, tê bì
- Cổ tay cử động kém linh hoạt, gây khó khăn khi cầm nắm hoặc mang vác đồ vật
Khớp cổ tay kêu lục cục xuất hiện kèm các triệu chứng bất thường là vấn đề không thể xem nhẹ. Người bệnh cần xác định nguyên nhân và can thiệp điều trị từ sớm để tránh bệnh trở nặng.
Cách chẩn đoán nguyên nhân cổ tay kêu cụp cụp
Bác sĩ nhấn mạnh, nếu người bệnh không thấy đau khi khớp cổ tay kêu cụp cụp thì không cần đi khám. Riêng trường hợp khớp cổ tay kêu lắc rắc và đau, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân.
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh xoay và cử động cổ tay theo nhiều hướng, kiểm tra các triệu chứng cơ năng và quan sát biểu hiện bên ngoài của người bệnh. Đối với các câu hỏi liên quan đến chấn thương và tiền sử bệnh lý, người bệnh cần trả lời chính xác để bác sĩ nắm rõ tình hình.
Để chẩn đoán chính xác hơn nguyên nhân khớp cổ tay kêu lục cục, người bệnh sẽ cần thực hiện một vài xét nghiệm chuyên sâu, chụp chiếu hình ảnh để quan sát rõ hơn các tổn thương ở bên trong ổ khớp.
- Chụp X-quang để kiểm tra cấu trúc xương bên trong cổ tay.
- Chụp MRI để kiểm tra cấu trúc xương, xác định tổn thương ở mô mềm (nếu có).
- Siêu âm cho phép kiểm tra tình trạng của gân, cơ, dây chằng… xung quanh khớp cổ tay.
- Xét nghiệm máu để xác định yếu tố nhiễm trùng và viêm nhiễm, viêm khớp dạng thấp - một trong những nguyên nhân khiến khớp cổ tay kêu lạo xạo.
- Phương pháp điện cơ và nội soi khớp giúp bác sĩ phát hiện những tổn thương sâu bên trong khớp cổ tay.
Hướng điều trị khớp cổ tay kêu lục cục
1. Điều trị nội khoa
Trường hợp khớp cổ tay kêu lắc rắc và có cảm giác đau, người bệnh có thể dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau, kháng viêm. Một vài loại thuốc phổ biến là Ibuprofen, Naproxen, Aspirin… Các loại thuốc này có tác dụng giảm đau khớp.
Riêng các trường hợp bị đau khớp cổ tay nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau thuộc nhóm Corticoid hoặc Opioid. Trong đó, thuốc Corticoid có tác dụng kháng viêm, ức chế miễn dịch, chữa đau nặng cho người bị viêm khớp dạng thấp. Thuốc Opioid dành dùng để điều trị các cơn đau trong thời gian ngắn.
2. Vật lý trị liệu
Tùy vào từng tình trạng và nhu cầu cá nhân, người bị kêu răng rắc ở khớp cổ tay sẽ cần áp dụng chương trình vật lý trị liệu phù hợp. Thông qua các bài tập được thiết lập dựa trên tính cá nhân hóa, cổ tay của người bệnh sẽ cử động linh hoạt hơn, tăng cường lưu thông máu và giảm đau. Phương pháp này thích hợp với người bị thoái hóa khớp cổ tay. Sau liệu trình, các khớp có thể chuyển động trơn tru hơn, hạn chế được tình trạng cứng khớp và khớp cổ tay kêu lục cục.
3. Phẫu thuật
Trường hợp khớp cổ tay kêu lắc rắc kèm sưng đau nặng, tổn thương sụn khớp… người bệnh cần phải phẫu thuật để điều trị. Phẫu thuật nhằm mục đích cải thiện tổn thương ở khớp, hoặc thay khớp với các trường hợp không thể bảo tồn. Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi và tập vật lý trị liệu một thời gian để hoàn toàn bình phục.
4. Các biện pháp hỗ trợ khác
- Người bệnh nên nẹp cổ tay để hạn chế các chuyển động có thể gây đau và tạo ra tiếng kêu lục cục.
- Khi bị đau cổ tay, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh hoặc làm việc nặng, hạn chế tác động đến khớp cổ tay đang bị thương.
- Xây dựng lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh cũng là biện pháp hỗ trợ cho quá trình điều trị khớp cổ tay kêu lục cục. Nếu người bệnh có dấu hiệu bị viêm khớp, cần kiêng các thức ăn có nhiều chất béo để tránh gây viêm nhiễm nặng hơn. Ngoài ra, các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt dê… và nội tạng động vật cũng là thức ăn người bệnh cần kiêng.
5. Biến chứng khớp cổ tay kêu lụp cụp nếu không điều trị kịp thời
Khớp cổ tay kêu lạo xạo kèm theo những cơn đau nhức nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Chẳng hạn như:
- Bào mòn sụn khớp hoàn toàn, dẫn đến tình trạng teo cơ, dính khớp, biến dạng khớp cổ tay.
- Trường hợp kêu lục cục ở khớp cổ tay do bị viêm khớp tự miễn, biến chứng xảy ra không chỉ dừng lại ở khớp mà còn có thể ảnh hưởng một số bộ phận nội tạng.
- Khớp cổ tay kêu lục cục và đau trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng cứng khớp, tê bì. Nghiêm trọng nhất là mất khả năng vận động.
Phòng ngừa khớp cổ tay kêu lạo xạo
- Hạn chế và cải thiện các vận động sai tư thế. Nên tránh mang vác quá nặng để giảm nguy cơ làm tổn thương khớp và mô mềm quanh khớp. Đồng thời hạn chế làm việc, sinh hoạt ở một tư thế trong thời gian quá dài. Các thói quen không tốt như bẻ ngón tay/chân, vặn lưng… cũng cần phải cải thiện, vì về lâu dài sẽ làm tổn thương khớp.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp. Tuy nhiên, cần sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng để tránh tác dụng phụ ngoài ý muốn.
- Cần dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để cơ thể tái tạo năng lượng và phục hồi tổn thương.
- Bên cạnh chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn cũng là lưu ý rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe cơ xương khớp. Hãy lựa chọn bài tập phù hợp với sở thích và sức khỏe của bản thân như chạy bộ, đạp xe, nhảy dây…
Như vậy, khi phát hiện khớp cổ tay kêu lục cục, điều đầu tiên cần làm là chẩn đoán nguyên nhân. Nếu khớp cổ tay kêu lạo xạo kèm theo những cơn đau thì cần điều trị càng sớm càng tốt để tránh biến chứng nguy hiểm.