Rau lủi rừng được biết đến với vị ngon rất đặc biệt, ngọt nhẹ, mát và thơm đặc trưng nên những ai đã ăn một lần thì khó mà quên được. Để hiểu hơn về tác dụng cũng như hiệu quả chữa bệnh của rau lủi rừng, bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu theo dõi những thông tin dưới đây.
Rau lủi rừng là gì?
Rau lủi rừng còn được gọi với tên khác như kim thất, đây là một loại cây thuộc họ bò trườn, thân màu tím, lá mọc so le, cuống lá ngắn, đầu lá nhọn có mép răng cưa không đều và nhẵn bóng. Lá rau lủi rừng có mùi thơm rất đặc trưng nên khiến nhiều người “nhung nhớ” dù chỉ mới ngửi mùi hoặc có cơ hội thưởng thức dù chỉ một lần.

Rau lủi rừng hiện nay là một trong những loại rau mọc tự nhiên hoặc được trồng nhiều ở miền núi, vùng cao với địa hình dốc đặc trưng như Gia Lai, Quảng Nam,… Rau lủi rừng thường sống cheo leo trên sườn dốc nhiều đá, trên nền đất feralit đỏ vàng, có độ thoáng khí và thoát nước tốt. Cây lủi rừng có khả năng sinh trưởng và phát triển tự nhiên mà không cần chăm bón nhiều. Thân cây thường đan chéo vào nhau chằng chịt khiến người hái rau phải rẽ lối mới có thể di chuyển được.
Trước đây, với người đồng bằng, rau lủi rừng rất hiếm khi có mặt ở các chợ truyền thống, thường chỉ có người miền núi hái mang về làm quà hoặc đổi khẩu vị. Tuy nhiên hiện nay rau lủi rừng đã được nhiều người biết đến và tìm mua nhiều hơn, trở thành món ăn khoái khẩu của nhiều người. Không chỉ có vị ngon đặc trưng mà rau lủi rừng còn rất giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên ngoài để ăn như một loại rau, rau lủi rừng còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.
Công dụng của rau lủi rừng
Trong Đông y, rau lủi rừng có vị cay, ngọt thơm và tính bình, được sử dụng phổ biến với những công dụng đặc trưng như:
- Thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể;
- Lợi tiểu, hỗ trợ tiêu viêm, tán ứ tiêu thũng;
- Hỗ trợ điều trị viêm họng, viêm phế quản mãn tính;
- Hỗ trợ chữa phong tê, thấp khớp, đau xương khớp và chấn thương;
- Hỗ trợ chữa chứng ho gió, ho gà, ho lao;
- Chữa trị vết thương do té ngã, ngứa loét hoặc bong gân;
- Điều hòa máu huyết, an thần, giảm đau nhức, chữa đau đầu, chóng mặt;
- Cầm máu tốt, điều hòa huyết áp, điều hòa kinh nguyệt và giải độc;
- Chữa bệnh tiểu rắt, tiểu buốt, đái dầm;
- Chữa đau lưng;
- Chữa mụn nhọt, mụn ngứa.

Nhìn chung, rau lủi rừng bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể và góp phần điều trị một số vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên rau lủi rừng không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nên người bệnh tuyệt đối không lạm dụng rau lủi rừng hoặc các bài thuốc từ rau lủi rừng mà cần đến bệnh viện thăm khám, điều trị theo hướng dẫn cụ thể của các bác sĩ.
Bài thuốc dân gian từ rau lủi rừng
Tuy là một loại rau rừng dùng làm rau ăn hàng ngày nhưng rau lủi rừng còn được xem như bài thuốc dân gian với nhiều công dụng tích cực đối với sức khỏe như phòng chống bệnh tật, điều hòa nội tiết, ổn định huyết áp,… Sau đây là một số bài thuốc dân gian phổ biến từ rau lủi rừng.
Chữa tiểu đường
Rau lủi rừng có khả năng điều hòa lượng đường trong máu nên được tận dụng làm bài thuốc dân gian hỗ trợ điều trị, phòng ngừa bệnh tiểu đường rất hiệu quả. Theo đó, bệnh nhân bị tiểu đường chỉ cần nhai và nuốt 7 - 8 lá rau lủi rừng mỗi ngày, duy trì đều đặn một thời gian để nhận thấy kết quả cụ thể.
Chữa viêm họng, viêm phế quản
Thời tiết giao mùa là lúc cơ thể rất dễ bị viêm họng, viêm phế quản. Nếu bạn cũng đang gặp vấn đề sức khỏe này, ho nhiều, mệt mỏi,… ảnh hưởng đến đời sống và công việc thì bên cạnh thuốc kê đơn của bác sĩ, bạn có thể dùng thêm rau lủi rừng để nhai, ngậm và nuốt để làm dịu cơn ho, giúp cổ họng thấy dễ chịu hơn.

Chữa vết thương và cầm máu
Người miền núi khi đi rừng không may bị thương, chảy máu rất hay dùng rau lủi rừng để cầm máu, nhanh lành vết thương bởi loại rau này có đặc tính kháng khuẩn tốt. Khi bị thương hoặc chảy máu, bạn hãy dùng rau lủi rừng bịt vào miệng vết thương để giảm đau nhanh, hạn chế sưng tấy, nhiễm trùng và mất máu.
Chữa mất ngủ
Bạn thường xuyên bị mất ngủ? Tình trạng mất ngủ khiến bạn mệt mỏi, thiếu sức sống, kém tập trung? Vậy bạn nên thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn, giải tỏa stress, đồng thời ăn thêm rau lủi rừng tươi hoặc rau lủi rừng luộc, xào, nấu canh,… để cải thiện tình trạng này. Rau lủi rừng có tác dụng an thần, điều hòa tuần hoàn máu hiệu quả nên tạo tiền đề cho giấc ngủ ngon, hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ.
Trên đây là một số bài thuốc từ rau lủi rừng nhưng đều là theo kinh nghiệm dân gian, chưa có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả, công dụng và đặc tính khoa học nên để đảm bảo an toàn, người bệnh vẫn nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng rau lủi rừng để hỗ trợ chữa bệnh.
Gợi ý một số món ngon từ rau lủi rừng
Rau lủi rừng vốn đã là loại rau ngon với mùi thơm và độ giòn ngọt đặc trưng nên chỉ cần chế biến đơn giản là bạn đã có ngay món ăn ngon miệng, hấp dẫn rồi đấy. Dưới đây là một số món ăn từ rau lủi rừng bạn có thể tham khảo để đa dạng hơn bữa cơm gia đình.
- Rau lủi rừng luộc ăn kèm thịt kho: Bạn chỉ cần rửa sạch rau lủi rừng, sau đó luộc chín với chút muối để rau giữ màu xanh và chấm cùng nước thịt kho là đã có thể tận hưởng toàn bộ vị ngon của loại rau rừng này.
- Rau lủi rừng xào tôm: Rau lủi rừng đem xào chín với tôm tươi đã bóc vỏ và tỏi phi là món ăn ngon miệng, kết hợp hài hòa độ giòn ngọt của rau lủi rừng và độ tươi ngon của tôm và hương thơm hấp dẫn từ tỏi phi.
- Canh rau lủi rừng nấu cua đồng: Nếu đã chán món rau lủi rừng luộc hoặc xào, bạn có thể thái nhỏ rau để nấu cùng cua đồng là đã có ngay bát canh thanh mát, ngon mắt và ngon miệng cho gia đình rồi đấy.

Mong rằng qua bài viết trên từ Nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn hiểu hơn về rau lủi rừng cũng như món ngon từ loại rau đặc trưng này. Rau lủi rừng tuy nhiều dinh dưỡng nhưng không nên quá lạm dụng, thay vào đó bạn nên ăn đa dạng các loại rau xanh như rau cải, rau muống, rau mồng tơi,… để cơ thể đủ chất và tránh mất cân bằng dinh dưỡng.
Xem thêm:
- Một số thực đơn cho trẻ 8 tháng tuổi viện dinh dưỡng gợi ý
- Phương pháp cải thiện suy dinh dưỡng học đường hiệu quả