Hình xăm đẹp không chỉ là một nét đẹp nghệ thuật mà còn là cách để bạn thể hiện cá tính riêng. Việc chăm sóc hình xăm đúng cách sẽ giúp bạn ngăn ngừa các biến chứng, hình xăm lên màu đẹp và vết thương mau lành.
Sau khi vừa xăm xong, nếu để hình xăm tiếp xúc với không khí hay môi trường bụi bẩn, bạn sẽ càng có nguy cơ cao mắc các dạng nhiễm trùng và để lại sẹo. Không chỉ phụ thuộc vào thợ xăm, để có hình xăm đẹp, bạn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc vệ sinh, chăm sóc hình xăm tại nhà. Nếu không chăm sóc hình xăm đúng cách, bạn có thể gặp nhiều tác hại vì xăm mình đấy.
Mời bạn tìm hiểu các bước giữ vệ sinh và chăm sóc hình xăm đúng cách nhé!
Chăm sóc hình xăm ngay sau khi xăm
Quan trọng nhất là sau khi xăm nên bôi thuốc gì, vì lúc này da của bạn rất dễ bị nhiễm trùng. Để dưỡng hình xăm, đầu tiên bạn nên yêu cầu thợ xăm thoa một lớp mỡ kháng sinh hoặc mỡ vaselin và dùng một miếng băng gạc phủ nó lại. Miếng băng sẽ giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập vào da. Ngoài ra, việc băng lại còn giúp bảo vệ vết xăm khỏi bị xước gây đau đớn.
- Giữ miếng băng gạc tại chỗ.
- Sau vài giờ, bạn có thể gỡ miếng băng ra. Đầu tiên, hãy rửa tay cùng xà phòng và nước ấm. Sau đó, hãy nhẹ nhàng rửa qua vết xăm bằng xà phòng nhẹ, không mùi và nước sạch.
- Dùng khăn mềm thấm khô hình xăm.
- Thoa một lượng nhỏ mỡ vaselin lên hình xăm và không cần băng lại nữa.
Xem thêm >> 9 vấn đề thường gặp khi xăm hình và cách khắc phục
Các bước chăm sóc hình xăm tại nhà trong 30 ngày
Tốc độ hồi phục của vết thương xăm hình sẽ phụ thuộc vào kích thước và độ phức tạp của hình xăm. Những hình xăm lớn thường có tình trạng đỏ tấy và sưng lâu hơn bởi vì chúng gây tổn thương cho làn da nhiều hơn các hình xăm nhỏ.
Ngày thứ nhất
Bạn nên giữ băng gạc từ tiệm xăm cho đến khi về nhà. Sau vài giờ, bạn có thể gỡ nó ra. Tốt nhất, bạn nên hỏi thợ xăm để biết thêm chi tiết về thời điểm thích hợp để tháo băng gạc.
Ngay khi tháo băng ra, có lẽ bạn sẽ nhìn thấy một ít dịch lỏng chảy ra từ hình xăm. Hỗn hợp dịch này gồm máu, huyết tương cùng một ít mực xăm. Da sẽ trở nên đỏ tấy và đau rát. Ngoài ra, bạn sẽ cảm thấy hơi ấm khi chạm vào vết xăm. Bạn cũng đừng quá lo lắng vì đây là tình trạng rất bình thường.
Sau khi rửa tay sạch sẽ, bạn hãy rửa vết xăm bằng nước ấm và xà phòng không mùi. Sau đó, bạn hãy dưỡng hình xăm bằng petroleum để chống nhiễm trùng.
Xem thêm >> Hình xăm bị ngứa, vạch mặt 7 nguyên nhân phổ biến
Từ ngày 2 đến ngày 3
Hình xăm sẽ bắt đầu trở nên xỉn màu hơn. Điều này thường xảy ra khi da đang trong quá trình hồi phục. Đồng thời, vết thương sẽ bắt đầu kết vảy.
Bạn hãy rửa hình xăm từ 1-2 lần mỗi ngày, sau đó thoa kem dưỡng ẩm loại không mùi và không chứa cồn lên hình xăm. Khi rửa hình xăm, bạn có thể thấy có một ít mực chảy ra. Đừng lo lắng vì đây chỉ là lượng mực dư thừa được đẩy ra thông qua các lỗ chân lông trên da mà thôi.
Từ ngày 4 đến ngày 6
Tình trạng đỏ tấy sẽ bắt đầu mờ đi. Ngoài ra, bạn có thể sẽ nhận thấy một số vết xước nhẹ trên vết xăm. Các mảng vảy sẽ không dày như vảy thông thường (khi bạn vô tình bị xước da) mà chúng có xu hướng trồi lên trên da. Trong lúc chăm sóc hình xăm, đừng lột vảy ra nhé vì chúng sẽ giúp bạn tránh để lại sẹo.
Hãy rửa hình xăm từ 1-2 lần mỗi ngày để giữ vệ sinh. Sau đó, bạn hãy dưỡng hình xăm bằng kem dưỡng ẩm.
Từ ngày 7 đến ngày 14
Hình xăm đóng vảy dày và bắt đầu bong ra. Xăm bao lâu thì bong sẽ thay đổi tùy từng người, nhưng hầu hết là trong giai đoạn 7 - 14 ngày này. Bạn cần lưu ý tuyệt đối không nên cố gắng lột hoặc gỡ chúng ra - bạn nên để các mảng vảy tróc ra một cách tự nhiên. Nếu bạn cố tình lột chúng ra, bạn sẽ làm ảnh hưởng đến lớp da non chưa hoàn thiện dưới hình xăm và có thể để lại sẹo.
Tại thời điểm này, bạn có thể cảm thấy làn da trở nên rất ngứa ngáy nhưng bạn cần tránh gãi hoặc chà xát hình xăm nhé. ạn chỉ cần thoa kem dưỡng ẩm vài lần mỗi ngày để giảm ngứa mà không cần thuốBc nữa.
Nếu trong giai đoạn này, vết xăm của bạn vẫn bị sưng và đỏ tấy thì đó là dấu hiệu bạn có thể bị nhiễm trùng. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu càng sớm càng tốt.
Từ ngày 15 đến ngày 30
Trong giai đoạn hồi phục cuối cùng này, bạn nên nhẹ nhàng gỡ bớt các miếng vảy ra và để mảng da chết còn lại tự bong.
Vùng da xung quanh hình xăm có thể trông khá khô ráp và hơi xỉn màu. Vì thế, bạn nên dưỡng ẩm cho đến khi làn da tươi tắn trở lại.
Các mô da sâu bên dưới làn da có thể mất từ 3-4 tháng để lành lại hoàn toàn. Do đó hiện tượng hình xăm sau khi bong vảy bị mờ không đáng lo. Vào cuối tháng thứ 3, hình xăm sẽ trở nên sáng và đẹp hơn như mong muốn của bạn.
Trong quá trình chăm sóc hình xăm, nếu bạn thấy bất kỳ dấu hiệu nào sau đây, hãy đến gặp bác sĩ da liễu để điều trị ngay lập tức:
- Phát hiện một đường hoặc một vệt sưng màu đỏ xuất hiện và lan rộng ra từ vết xăm
- Cơn đau nhói xung quanh hình xăm ngày càng nghiêm trọng sau khi xăm từ 5-7 ngày
- Có dịch mủ tiết ra từ hình xăm
- Bị sốt - đây chính là dấu hiệu nhiễm trùng.
Bạn nên lưu lại những mẹo vệ sinh và chăm sóc hình xăm mà Hello Bacsi đã đề cập ở trên để giữ cho hình xăm đẹp và mau lành nhé! Sau 15-30 ngày, vết thương hình xăm sẽ lành lại, bạn sẽ có một hình xăm thu hút ánh nhìn của mọi người. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ hữu ích cho bạn.
[embed-health-tool-bmi]