Thông số kích thước lốp xe
Để lựa chọn được loại lốp xe phù hợp, người dùng cần nắm rõ các thông số về kích thước lốp xe. Thông thường, thông số lốp xe ô tô sẽ được thể hiện trong các sách hướng dẫn sử dụng của xe. Tại đây, nhà sản xuất sẽ có những khuyến cáo về việc lựa chọn và sử dụng loại lốp phù hợp cho từng dòng xe. Ngoài ra, thông số kích thước lốp ô tô có thể được tìm thấy ở trên nắp bình xăng, thanh đứng khung cửa cạnh với ghế lái hoặc phía sau của nắp ngăn đựng găng tay.
Ở một số dòng lốp xe, thông số này còn được thể hiện ngay trên bề mặt của lốp. Vì vậy người sử dụng có thể dễ dàng đọc và tìm hiểu.
Hiện nay, có hai kiểu ghi thông số kích thước lốp phổ biến là: số đo bằng inch và số đo bằng mm.
Các ký hiệu thể hiện thống số lốp ô tô (Nguồn: sưu tầm)
Cách đọc thông số lốp xe ô tô cơ bản
Việc lựa chọn lốp xe phù hợp với xe ô tô sẽ đảm bảo cho hiệu suất sử dụng cũng như độ an toàn khi xe di chuyển. Để thực hiện được điều này, người sử dụng cần nắm rõ về các thông số trên lốp xe ô tô. Tuy nhiên, các thông số này thường được thể hiện dưới dạng chữ số, ký hiệu,... và không phải ai cũng hiểu. Vì thế việc tìm hiểu cách đọc thông số lốp xe ô tô là điều cần thiết. Dưới đây là cách đọc đối với một số thông số cơ bản trên lốp xe.
- Tên nhà sản xuất và tên lốp: Thông tin này thường được thể hiện dưới dạng chữ cái hoa hoặc thường, có thể có hoặc không kết hợp với chữ số. Chữ hoặc số thường được in dập nổi, kích thước to và rõ ràng. Tên nhà sản xuất và tên lốp thường nằm ở vòng ngoài của lốp.
- Loại lốp: Thông số về loại lốp thường nằm ở bên hông, phía trước tên lốp và được ký hiệu bởi các chữ hoa. Cụ thể, ý nghĩa của từng loại chữ ký hiệu như sau:
- Chữ P (Passenger): Lốp dành cho dòng xe gia đình, xe du lịch.
- Chữ LT (light truck): Lốp dành cho xe bán tải, xe tải nhẹ.
- Chữ T (Temporary): Đây là loại lốp thay thế tạm thời.
- Chữ ST (Special Trailer): Lốp dành cho loại xe đầu kéo đặc biệt.
- Chữ C : Lốp phù hợp cho dòng xe thương mại, xe tải hạng nặng.
- Chiều rộng lốp: Là phần bề mặt lốp tiếp xúc với mặt đường. Chiều rộng lốp được tính bằng đơn vị mm và được đo từ góc này đến góc kia. Thông số này là phần chữ và số nằm bên hông lốp, cạnh thông số loại lốp, có dấu gạch chéo ở giữa.
- Biên dạng lốp: Đây là tỷ lệ chiều cao giữa hông và chiều rộng lốp. Thông số này nằm tiếp nối với chiều rộng lốp, sau dấu gạch chéo.
- Cấu trúc lốp: Thông số này nằm ngay bên cạnh thông số biên dạng lốp. Cấu trúc lốp thường được thể hiện dưới dạng chữ cái R, B, D hoặc E. Trong đó, loại thông số chữ R (cấu trúc lốp bố thép tỏa tròn Radial) là phổ biến nhất, được ứng dụng nhiều nhất. Loại cấu trúc lốp B, D, E ít gặp hơn.
- Đường kính mâm xe: Thông số lốp xe ô tô này thường nằm ngay cạnh loại cấu trúc lốp. Thông thường, mỗi loại xe sẽ sử dụng một cỡ vành xe nhất định. Đây cũng là yếu tố đầu tiên để những thợ kỹ thuật tại cửa hàng lốp sẽ căn cứ vào đó lựa chọn loại lốp phù hợp cho xe.
- Năm sản xuất: Khi quan sát lốp, người sử dụng có thể thấy năm sản xuất có 4 chữ số. Trong đó, 2 số đầu là tuần sản xuất và 2 số sau là năm sản xuất. Đây cũng là thông số quan trọng khi lựa chọn lốp. Bởi một chiếc lốp đã được sản xuất quá lâu sẽ không còn đảm bảo chất lượng, có thể ảnh hưởng đến tính an toàn của xe khi di chuyển.
- Khả năng chịu nhiệt: Thông số này thường nằm ở phần bên trong của lốp. Chúng được thể hiện dưới dạng chữ số A, B, C. Trong đó, A là mức cao nhất, B là mức trung bình và C là mức thấp nhất.
- Chỉ số trọng tải lốp xe ô tô: Với thông số lốp xe ô tô này, người dùng có thể biết được giới hạn trọng tải của lốp xe. Chỉ số này càng cao đồng nghĩa với khả năng chịu tải trọng của lốp xe càng tốt. Chỉ số này thường nằm cạnh với thông số đường kính mâm xe.
- Chỉ số vận tốc lốp xe ô tô: Chữ cái nằm cạnh chỉ số trọng tải lốp chính là chỉ số vận tải của lốp xe. Chỉ số này thể hiện sự tương ứng giữa tốc độ di chuyển và mức độ tải hàng của lốp xe. Việc chọn đúng chỉ số này sẽ hạn chế việc nổ lốp khi xe di chuyển với tốc độ cao.
- Gai lốp ô tô: Gai lốp là yếu tố khá quan trọng, giúp xe có độ ma sát, độ bám đường cao hơn, giảm tình trạng trượt bánh, giảm hao mòn cho phanh xe. Hiện nay có các loại gai lốp phổ biến gồm: gai mũi tên, gai đối xứng gai bất đối xứng. Người dùng có thể dễ dàng quan sát được loại gai lốp ngay trên bề mặt của lốp xe.
Các thống số trên bề mặt một lốp xe ô tô (Nguồn: sưu tầm)
Trên hình là ví dụ cụ thể về một chiếc lốp ô tô. Ngay phía bên trên của lốp có dãy mã số P205/65 R 15 91 V. Theo đó, cách đọc các thông số trên lốp xe như sau:
- Chữ P: Lốp xe dành cho xe du lịch hoặc gia đình
- Số “205” là chiều rộng của lốp
- Số “65” là biên độ lốp
- Chữ “R” cho biết đây là loại lốp có cấu trúc bố thép tỏa tròn RADIAL
- Số “15” cho biết đường kính mâm xe phù hợp là 15.
- Số “91” cho biết tỷ số tải trọng tối đa là 91. Vì vậy khi thay thế lốp người dùng chỉ nên thay loại lốp có chỉ số này bằng hoặc cao hơn.
- Chữ “V” là vận tốc chạy tối đa. Theo đó, loại lốp này có thể chạy với tốc độ tối đa là 240km/h.
- Số “1800” nằm phía trên thương hiệu lốp cho biết lốp được sản xuất ở tuần 18 năm 2000.
Ngoài những thông số cơ bản trên, còn nhiều loại thông số khác được thể hiện trên bề mặt lốp, người sử dụng có thể dễ dàng quan sát được.
Chỉ số giới hạn tốc độ lốp xe
Trong các loại thông số lốp xe ô tô, đây là một trong chỉ số cần được chú ý nhất. Bởi lẽ chỉ số này giúp người lái biết được vận tốc tối đa có thể chạy trên đường. Việc không nắm rõ chỉ số này có thể dẫn đến tình trạng chạy vượt quá giới hạn. Hậu quả có thể gây nổ lốp, trượt lốp, nguy hiểm cho người sử dụng xe ô tô.
Chỉ số này được thể hiện bởi các chữ số từ A đến Z, tương ứng với các mức độ từ thấp đến cao. Chỉ số giới hạn tốc độ lốp xe sẽ có một số thay đổi trong tiêu chuẩn lốp châu Âu, thay vì dùng số km/h, họ sẽ sử dụng dặm trên giờ.
Thời hạn sử dụng lốp xe ô tô
Khi tìm hiểu về thông số lốp xe ô tô, người dùng cũng nên chú ý đến thời hạn sử dụng của lốp. Thông thường các loại lốp ô tô hiện nay có thời hạn sử dụng khoảng 5-6 năm. Căn cứ vào dãy số tuần và năm sản xuất để xác định loại lốp này còn hạn sử dụng không. Ví dụ, với dãy số 1.800, tuần sản xuất 18 và năm sản xuất là 2.000. Vậy thời hạn sử dụng lốp ở trong khoảng năm 2005 - 2006.
Một chiếc lốp quá thời hạn sử dụng có thể bị oxy hóa làm lớp bề mặt trở nên cứng hơn. Vì thế quá trình hoạt động kém hiệu quả hơn.
Năm sản xuất giúp người dùng xác định thời hạn sử dụng lốp xe (Nguồn: sưu tầm)
Áp suất tối đa của lốp xe ô tô
Chỉ số này sẽ cho biết được áp suất tối đa mà lốp xe có thể chịu được. Từ đó, trong quá trình sử dụng, người điều khiển chỉ nên bơm lốp ở dưới mức chỉ số này. Nếu bơm cao hơn, lốp xe có thể bị nổ.
Để bơm lốp xe với áp suất phù hợp, người sử dụng cần tham khảo áp suất lốp ô tô được in trên tem kỹ thuật tại vị trí bệ cửa bậc lên xuống. Ngoài ra, thông tin này có thể được tìm thấy trong sổ hướng dẫn kỹ thuật. Ngoài ra, để thuận tiện nhất, người dùng có thể nhờ sự tư vấn của các chuyên viên kỹ thuật tại các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa xe.
Một số ký hiệu khác trên lốp xe ô tô
Ngoài những thông số lốp xe ô tô trên, người dùng có thể bắt gặp nhiều ký hiệu, nhiều thông số khác nhau. Những ký hiệu này thường được in với kích cỡ nhỏ hơn, nằm ở viền trong lốp hoặc ngoài rìa lốp. Ví dụ như ký hiệu về tiêu chuẩn sản xuất lốp, khả năng bám đường, khả năng chống mòn, điều kiện đường để lốp hoạt động…
Nhiều thông số lốp xe ô tô khác được thể hiện trên bề mặt lốp (Nguồn: sưu tầm)
Để hạn chế các sự cố liên quan đến lốp xe như nổ lốp, khả năng bám đường thấp, lốp nhanh mòn,… Người dùng nên lựa chọn đúng loại lốp phù hợp cho xe. Việc hiểu ý nghĩa của thông số lốp xe ô tô sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc chọn lốp xe. Ngoài ra, khi cần thay lốp, người sử dụng nên lựa chọn các cơ sở sửa chữa thay thế uy tín.
Quý khách hàng có thể đăng ký dịch vụ bảo dưỡng tại bất kỳ đại lý của Toyota Việt Nam trên toàn quốc để được đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiệp tư vấn và thực hiện công tác bảo dưỡng xe. Ngoài ra, khách hàng hiện quan tâm tới dòng xe Toyota có thể đăng ký lái thử để có cơ hội trải nghiệm các dòng xe với nhiều năng tiện lợi và hiện đại. Để biết thêm chi tiết, quý khách có thể liên hệ với Toyota qua:
- Tổng đài tư vấn: 1800 1524 - 0916 001 524
- Email chăm sóc khách hàng: tmv_cs@toyota.com.vn
>> Xem thêm:
- Cảm biến áp suất lốp ô tô là gì? Nên mua cảm biến gắn trong hay gắn ngoài?
- Hướng dẫn cách xử lý lốp và bình ắc quy trong trường hợp khẩn cấp
- Tổng quan về các hệ thống điện trên ô tô
Khám phá thêm về Toyota tại:
Facebook | Youtube | Instagram